Thực hiện quyền yêu cầu thi hành án

Quyền yêu cầu thi hành án là quyền của đương sự (không chỉ người được thi hành án mà cả người phải thi hành án) yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành bản án, quyết định được đưa ra thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Với việc Luật Thi hành án dân sự được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2008 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009, điều cần thiết đối với đương sự là nắm bắt được những điểm mới của Luật Thi hành án dân sự về quyền yêu cầu thi hành án và cách thức thực hiện quyền yêu cầu thi hành án một cách đúng đắn và có hiệu quả. Đương nhiên, việc hiểu rõ và hiểu đúng quy định của pháp luật cũng đặt ra đối với cơ quan thi hành án dân sự để tiếp nhận và xử lý đúng các yêu cầu thi hành án của đương sự, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi thực hiện quyền này.

1. Những bản án, quyết định nào được thi hành theo quy định của Luật Thi hành án dân sự?

Trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền, phần lớn kết quả của những hoạt động đó là việc ban hành các văn bản. Văn bản có nhiều loại khác nhau, có bản án của Toà án, có quyết định của cơ quan công an, kiểm sát, có quyết định của cơ quan hành chính, có quyết định của cơ quan xét xử, có quyết định của cơ quan xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực khác nhau như đình chỉ xây dựng, buộc phải tháo dỡ công trình xây dựng, có bản án của Toà án nước ngoài, có bản án của Toà án hình sự về xử phạt tù dài hạn…Không phải mọi bản án, quyết định đều thuộc thẩm quyền tổ chức thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự. Để yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án thì trước hết, phải nắm được quy định của pháp luật về những loại bản án, quyết định được đưa ra thi hành theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.

1.1 Theo tính chất vụ việc:

Các bản án, quyết định được quyền yêu cầu thi hành theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 phải là bản án, quyết định của Toà án giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; quyết định về hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự; quyết định về phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Toà án; phần quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành án của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và quyết định của Trọng tài thương mại.

1.2 Theo hiệu lực pháp luật:

Những bản án, quyết định nói trên để được thi hành theo Luật Thi hành án dân sự phải bao gồm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và những bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật nhưng thuộc diện được thi hành ngay.

Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật là bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; bản án, quyết định của Toà án cấp phúc thẩm; quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Toà án; bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh mà sau 30 ngày kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Toà án; quyết định của Trọng tài thương mại.

Bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật tức bản án của Toà án cấp sơ thẩm còn trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị vẫn được đưa ra thi hành là bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc và quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Như vậy, những bản án, quyết định không thuộc diện trên thì không có quyền yêu cầu thi hành theo trình tự, thủ tục do Luật Thi hành án dân sự quy định.

2. Những nội dung nào của bản án, quyết định chỉ được đưa ra thi hành khi có đơn yêu cầu thi hành án của đương sự?

Bản án, quyết định thuộc diện được đưa ra thi hành có nhiều nội dung khác nhau về quyền, nghĩa vụ của các bên đương sự (cá nhân, pháp nhân) đối với nhau, đối với người khác hoặc đối với nhà nước, và cách thức xử lý đối với các tài sản, vật chứng có liên quan đến từng vụ việc cụ thể như tịch thu, tiêu hủy, trả lại cho đương sự hoặc chủ sở hữu hợp pháp…Trong số những nội dung của bản án, quyết định thuộc diện trên, Luật Thi hành án dân sự phân biệt những loại việc thuộc trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự phải chủ động ra quyết định thi hành án để tổ chức thi hành và những loại việc cơ quan thi hành án dân sự chỉ được đưa ra thi hành khi có đơn yêu cầu thi hành án của đương sự.

Theo quy định tại Điều 36 Luật Thi hành án dân sự thì những loại việc do cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án để tổ chức thi hành là các loại việc sau đây:

a) Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí;

b) Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;

c) Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu huỷ vật chứng, tài sản;

d) Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước;

đ) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Như vậy, trong một bản án, quyết định, nếu có những nội dung trên thì được cơ quan thi hành án tự mình đưa ra thi hành, những nội dung còn lại mà liên quan đến đương sự thì đương sự phải làm đơn mới được đưa ra thi hành. Việc Luật Thi hành án dân sự quy định những nội dung trên của bản án, quyết định thuộc diện cơ quan thi hành án dân sự chủ động đưa ra thi hành xuất phát từ nhận thức rằng, những loại việc mà bản án, quyết định tuyên người được hưởng quyền lợi là nhà nước hay ngân sách nhà nước thì cơ quan thi hành án phải có trách nhiệm quan tâm, bảo vệ bằng cách chủ động đưa ra thi hành để sớm thu hồi lại tài sản, đảm bảo tài sản cho nhà nước. Đó là các khoản về thu các khoản liên quan đến hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí; tịch thu sung quỹ nhà nước, thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước. Bên cạnh đó, quy định về những khoản của bản án, quyết định tuyên trả lại tiền, tài sản cho đương sự cũng thuộc diện cơ quan thi hành chủ động thi hành bởi xuất phát từ quan niệm rằng, việc tạm giữ, thu giữ những tài sản đó là do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện trước đó với mục đích phục vụ cho việc điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm thi hành án, nay theo quy định của pháp luật được tuyên trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp thì nhà nước phải chủ động trả lại mà không đợi đương sự phải yêu cầu, hoặc khoản vật chứng, tài sản bị Toà án tuyên tịch thu tiêu huỷ thì không còn huộc quyền quyết định của đương sự, nên cũng giao cơ quan thi hành án chủ động thực hiện việc tiêu huỷ. Ngoài ra, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng là nhằm mục đích đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, bảo đảm hiệu quả của việc thi hành án, cao hơn thế, là đảm bảo hiệu lực của bản án, quyết định của Toà án, của pháp luật, và do tính chất khẩn cấp của việc áp dụng mà nhà nước cần chủ động thực hiện để phù hợp với mục đích của việc ban hành quyết định đó.

Ngoài các khoản trên đây, thì các khoản còn lại thuộc diện người được thi hành án muốn buộc người phải thi hành án thi hành cho mình hoặc người phải thi hành án muốn được tự nguyện thi hành nghĩa vụ thông qua cơ quan thi hành án thì phải yêu cầu thi hành án. Các khoản đó rất đa dạng, từ việc thanh toán tiền, trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại tính mạng, sức khoẻ, tiền cấp dưỡng, đến buộc người sử dụng lao động nhận người lao động trở lại làm việc, buộc thực hiện hành vi nhất định…

Người được thi hành án cần lưu ý rằng có bản án, quyết định mà Tòa án, cơ quan có thẩm quyền tuyên mình là người được hưởng quyền và lợi ích không đồng nghĩa với việc cơ quan có thẩm quyền sẽ tự động đưa bản án, quyết định đó ra thi hành. Điều này xuất phát từ nhận thức rằng, giai đoạn xét xử và giai đoạn thi hành án là hai giai đoạn riêng rẽ, mỗi giai đoạn có những nhiệm vụ riêng. Việc Toà án, cơ quan có thẩm quyền công nhận, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án được thể hiện bằng phán quyết thông qua hình thức bàn án, quyết định. Tuy nhiên, có trong tay bản án, quyết định, người thắng kiện hoặc người được hưởng quyền và lợi ích hợp pháp theo bản án, quyết định hoàn toàn có quyền quyết định việc có làm đơn yêu cầu thi hành án hay không, yêu cầu thi hành vào thời điểm nào, yêu cầu thi hành những gì, đã có những thoả thuận gì với bên phải thi hành án, đã thi hành với nhau được những gì… Do đó, pháp luật dành quyền quyết định cho người được thi hành án thể hiện ý chí của mình bằng việc yêu cầu thi hành án.

Vì vậy,  tuỳ từng trường hợp cụ thể, đương sự đối chiếu với nội dung bản án, quyết định để loại trừ những việc thuộc diện cơ quan thi hành án dân sự chủ động thi hành, từ đó xác định những việc phải làm đơn yêu cầu thi hành án mà quyết định việc yêu cầu thi hành án.

3. Quyền yêu cầu thi hành bản án, quyết định được duy trì trong thời gian bao lâu sau khi có bản án, quyết định?

Quyền yêu cầu thi hành án được thực hiện trong thời hạn mà pháp luật quy định, còn gọi là thời hiệu yêu cầu thi hành án.

3.1 Thời hiệu yêu cầu thi hành án:

Thời hiệu yêu cầu thi hành án là thời hạn mà người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án; hết thời hạn đó thì mất quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành đối với bản án, quyết định được đưa ra thi hành theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.

Để đảm bảo người được thi hành án không bỏ lỡ cơ hội yêu cầu thi hành án, Luật Thi hành án dân sự quy định khi ra bản án, quyết định, Toà án, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Trọng tài thương mại phải giải thích cho đương sự, đồng thời ghi rõ trong bản án, quyết định về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án.

Theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sựnăm 2008, thời hiệu yêu cầu thi hành án là 05 năm, là dài hơn so với thời hiệu 3 năm mà Pháp lệnh thi hành án dân sự hiện hành quy định.

3.2 Cách tính thời hiệu yêu cầu thi hành án:

Thời hạn yêu cầu thi hành án (05 năm) được tính như sau: Đối với bản án, quyết định tuyên quyền, nghĩa vụ của đương sự mà không quy định thời hạn thực hiện hoặc không kèm theo điều kiện nhất định để thực hiện thì thời hạn 05 năm được tính kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định cụ thể trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn. Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

Để xác định đương sự yêu cầu thi hành án có đúng hạn hay không, cần phải có căn cứ xác định ngày nào đương sự làm đơn yêu cầu thi hành án. Căn cứ đó là: ngày người yêu cầu thi hành án nộp đơn hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan thi hành án dân sự hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi được coi là ngày gửi đơn yêu cầu thi hành án. Từ ngày đó tính ngược trở lại theo cách tính ở trên đây, nếu vẫn nhỏ hơn hoặc bằng 5 năm thì việc yêu cầu thi hành án được coi là còn trong thời hiệu yêu cầu thi hành án, đơn yêu cầu thi hành án được coi là hợp lệ về mặt thời hiệu. Nếu vượt quá, lớn hơn thời hạn 5 năm, nghĩa là yêu cầu thi hành án khi thời hiệu yêu cầu thi hành án đã hết.

3.3 Yêu cầu thi hành án khi đã hết thời hiệu thì phải làm gì?

Đến thời điểm đương sự yêu cầu thi hành án mà đã quá thời hạn 05 năm theo cách tính ở trên thì người yêu cầu có quyền làm đơn đề nghị cơ quan thi hành án dân sự xem xét.

Đơn phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người yêu cầu; tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu; họ, tên địa chỉ của người được thi hành án, người phải thi hành án, nội dung của việc thi hành án, lý do không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn. Kèm theo đơn phải có bản án, quyết định được yêu cầu thi hành và tài liệu chứng minh lý do không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn. Cần lưu ý rằng thời gian xảy ra hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án. Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án. Dự thảo Nghị định hướng dẫn về thủ tục thi hành án dân sự thừa nhận các sự kiện bất khả kháng là trường hợp thiên tai, hoả hoạn, địch hoạ; trở ngại khách quan là trường hợp đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo mà không thể gửi đơn yêu cầu thi hành án đúng hạn; tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức, phải điều trị nội trú hoặc do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án dân sự hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn hoặc đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hoá mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật.

Để có căn cứ xem xét, thì người được thi hành án cần phải có các giấy tờ để chứng minh lý do không yêu cầu thi hành án  đúng hạn. Đối với trường hợp xảy ra thiên tai, hoả hoạn, địch hoạ hoặc do đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế hay do trở ngại khách quan khác xảy ra tại địa phương nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú. Đối với trường hợp do phải chữa bệnh nội trú nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận hoặc giấy nhập viện, xuất viện của tổ chức y tế cấp huyện trở lên. Đối với trường hợp do yêu cầu công tác nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị hoặc giấy cử đi công tác của cơ quan, đơn vị đó. Đối với những trường hợp bất khả kháng, trở ngại khách quan khác nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc tài liệu hợp pháp khác để chứng minh.

Xác nhận của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nói trên phải thể hiện rõ địa điểm, nội dung và thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn.

Tin liên quan