Những lưu ý quan trọng về tranh chấp hợp đồng thương mại theo quy định pháp luật hiện hành
Hợp đồng thương mại diễn ra ngày một phổ biến nhờ sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Song nhưng tranh chấp về hợp động này cũng vì thế mà có xu hướng gia tăng. Bên bị vi phạm quyền và lợi ích trong hợp đồng thương mại có thể phải gánh chịu những tổn thất nặng nề về kinh tế, tiền bạc, thời gian và công sức để giải quyết các tranh chấp này. Với bài viết này, Luật sư DFC sẽ đề cập đến những điểm cần lưu ý đối với các bên khi phát sinh tranh chấp hợp đồng thương mại. Từ đó, giúp các bên hạn chế bớt phần nào rủi ro phải chịu.
1. Khái quát về tranh chấp hợp đồng thương mại
Hiện nay chưa có một quy phạm pháp luật nào định nghĩa cụ thể thế nào là tranh chấp kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, dựa trên tinh thần của Luật Thượng mại 2005 và Luật Doanh nghiệp 2020 thì tranh chấp kinh doanh thương mai được hiểu là những xung đột, mâu thuẫn về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng thương mại đã ký kết.
Từ định nghĩa trên, có thể thấy cơ sở phát sinh tranh chấp hợp đồng thương mại ở đây là việc bên có quyền có căn cứ cho rằng bên có nghĩa vụ đã có những hành vi vi phạm pháp luật hoặc vi phạm những điều khoản nội dung mà các bên đã thỏa thuận. Việc này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên có quyền.
Tranh chấp kinh doanh thương mai cần đáp ứng các đặc điểm sau:
- Là những mâu thuẫn, xung đột về quyền và nghĩa vụ giữa các bên.
- Phát sinh từ hoạt động thương mại. Căn cứ phát sinh tranh chấp là hành vi vi phạm pháp luật hoặc vi phạm những quy tắc, nội dung mà các bên đã thỏa thuận.
- Chủ thể chủ yếu của tranh chấp là thnhân.
2. Lưu ý về tranh chấp hợp đồng thương mại
Để nhận diện các rủi ro trong hợp đồng thương mại, từ đó các bên có thể có phương án ngăn ngừa khả năng xảy ra cũng bảo vệ nhanh nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình, dưới đây là một số lưu ý về tranh chấp hợp đồng thương mại để tham khảo.
2.1. Phương thức giải quyết tranh chấp
Pháp luật đề cao quyền tự định đoạt việc giải quyết tranh chấp (trừ những quan hệ hợp đồng ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước) của các bên. Theo đó, các bên có thể lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp theo ý chí của mình, tùy thuộc vào mức độ và tính chất phức tạp cảu tranh chấp, có thể kể đến như:
- Thương lượng: Đây là phương thức giải quyết tranh chấp không cần có sự can thiệp của bên thứ ba, các bên cùng nhau bàn bạc, thỏa thuận về vấn đề tranh chấp để tìm ra phương án giải quyết. Luật sư có thể tham gia với vai trò tư vấn cho các bên về chiến lược, mục tiêu, điểm mạnh và điểm yếu trong đàm phán để từ đó các bên có thể tự gặp gỡ và thỏa thuận, trao đổi giải quyết các vấn đề tranh chấp.
- Hòa giải: Là phương thức giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba với tư cách trung gian hòa giải để hỗ trợ, thuyết phục các bên tranh chấp tìm kiếm các giải pháp nhằm loại trừ tranh chấp đã phát sinh. Quy trình thủ tục giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải được thực hiện theo quy định tại Luật Hòa giải cơ sở 2013.
- Trọng tài: Là phương thức giải quyết tranh chấp trong hoạt động thương mại, được tiến hành bởi một hội đồng trọng tài. Theo Khoản 5 Điều 61 của Luật Trọng tài thương mại 2010, phán quyết của trọng tài sẽ có giá trị chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật Trọng tài thương mại 2010, cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài chỉ được áp dụng khi các bên có sự thỏa thuận rõ ràng và cụ thể về việc lựa chọn trọng tài để giải quyết, nếu không, mặc nhiên các tranh chấp này chỉ có thể được giải quyết bởi tòa án có thẩm quyền.
- Tòa án: Là cơ quan tư pháp của nhà nước Việt Nam có chức năng xét xử. Theo Điều 30 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, tòa án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến hoạt động kinh doanh, thương mại, bao gồm cả tranh chấp phát sinh từ hợp đồng thương mại. Khác với cơ chế giải quyết bằng trọng tài, theo quy định tại Điều 17 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, một vụ án được giải quyết tại tòa án sẽ phải trải qua hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Theo đó, bản án hoặc quyết định sơ thẩm của tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị để tiếp tục xét xử phúc thẩm.
Các bên cần lưu ý những gì khi phát sinh tranh chấp thương mại để bảo vệ quyền lợi của mình? (Ảnh minh họa)
2.2. Về thời hiệu khởi kiện
Đây là một trong những vấn đề quan trọng các bên cần lưu ý để kịp thời tiến hành khởi kiện vụ án ra cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tránh trường hợp kéo dài thời gian dẫn đến mất quyền khởi kiện.
Theo quy định tại Điều 319 của Luật Thương mại 2005, thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp về hợp đồng thương mại là 2 năm kể từ ngày mà quyền và lợi ích hợp pháp của một bên của hợp đồng bị xâm phạm trừ trường hợp tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ logistics. Thời hiệu khởi kiện tại Trọng tài, theo quy định tại điều 33 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định: “thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm”.
3. Lưu ý về tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại quốc tế
3.1. Cơ quan giải quyết tranh chấp
Đây là yếu tố được quan tâm hàng đầu đối với các hoạt động kinh doanh thương mại quốc tế. Bởi trong hợp đồng này, các bên tham gia sẽ đến từ nhiều quốc gia khác nhau nếu trong hợp hợp đồng không quy định cụ thể, việc xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp luôn là vấn đề gây ra tranh cãi bởi lẽ pháp luật các quốc gia có sự khác nhau.
Ngoài ra, việc địa điểm giải quyết tranh chấp thuộc lãnh thổ của một quốc gia khác còn gây tốn thời gian và hao tổn chi phí cho việc di chuyển, tham gia tố tụng, những khoản tiền này thậm chí có thể nhiều hơn giá trị lợi ích mà các bên có thể đạt được khi tranh chấp được giải quyết.
Giải pháp cho các bên lúc này là sẽ thỏa thuận, lựa chọn cơ quan và quốc gia có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trước khi tham gia giao dịch và quy định các nội dung này vào trong hợp đồng hoặc sau khi phát sinh tranh chấp.
3.2. Pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp
Luật áp dụng để giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế là pháp luật quốc gia, các điều ước quốc tế về thương mại, tập quán thương mại quốc tế và chính là hợp đồng và các tài liệu mà các bên đã ký kết. Do đó, các bên cần nắm rõ và vận dụng các quy định của pháp luật để có những hành động pháp lý, lập luận phù hợp bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
3.3. Về tài liệu, chứng cứ chứng minh vi phạm
Thông thường, trong hồ sơ tranh chấp thương mại quốc tế sẽ có nhiều tài liệu, chứng cứ bằng tiếng nước ngoài, trong trường hợp thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án, thì khi gửi Tòa án phải được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch sang tiếng Việt thì mới có giá trị pháp lý. Trên thực tế đã có vụ án bị hủy vì giấy tờ không được hợp pháp hóa lãnh sự. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, Điều 9 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định “Về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự” quy định các giấy tờ, tài liệu được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự, như giấy tờ, tài liệu được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại,…
Trên đây là nội dung khái quát về những lưu ý về tranh chấp hợp đồng thương mại mà Luật sư DFC muốn chia sẻ. Trong trường hợp bạn đọc đang gặp khó khăn hay có nhu cầu muốn tìm một đơn vị Luật sư uy tín để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong các hoạt động kinh doanh thương mại, Luật sư DFC sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ, liên hệ ngay 0913.348.538.
Chúng tôi tự hào là công ty luật chuyên nghiệp với gần 30 năm kinh nghiệm, cùng đội ngũ luật sư dày dặn kinh nghiệm, đã hỗ trợ pháp lý thành công cho hàng ngàn khách hàng.