Quy định của pháp luật mới nhất về luật đứng tên trên sổ đỏ
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là Sổ đỏ) - là một chứng thư pháp lý chứng minh quyền sử dụng đất, nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho người sử dụng bởi Nhà nước và được Nhà nước công nhận. Vậy, quy định của pháp luật về luật đứng tên trên sổ đỏ mới nhất thể hiện như thế nào? Chúng tôi – Đội ngũ Chuyên viên tư vấn của Công ty Tư vấn Luật DFC xin giải đáp những thắc mắc xoay quanh vấn đề này thông qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý
- Bộ luật Dân sự năm 2015 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Luật Đất đai năm 2013 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Luật Nhà ở năm 2014 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Nội dung tư vấn
Sau khi có sự ra đời của Luật Nhà ở năm 2014 bên cạnh Luật Đất đai năm 2013 thì việc cấp, đính chính, hủy… Giấy chứng nhận quyền sở hữu của người sử dụng được chia làm hai loại, bao gồm: công nhận quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và công nhận quyền sở hữu nhà ở với hai văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh riêng rẽ trên. Vì vậy, luật đứng tên sổ đỏ mới nhất cần căn cứ vào những quy định hiện hành trên, cụ thể:
1. Quy định của pháp luật về luật đứng tên trên sổ đỏ theo quy định của pháp luật về đất đai
Luật Đất đai năm 2013 là văn bản quy phạm pháp luật về điều chỉnh lĩnh vực đất đai hiện hành. Vấn đề quy định của pháp luật về người đứng tên trên sổ đỏ được thực hiện theo những nguyên tắc nhất định được quy định ở Điều 98 Luật Đất đai năm 2013 thì còn được điều chỉnh ở những quy định chung của Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể:
- Thứ nhất, trường hợp về độ tuổi được đứng tên trên sổ đỏ: pháp luật hiện hành ở nước ta hiện nay không có một quy định cụ thể về độ tuổi được đứng tên trong chứng thư pháp lý này. Do đó, điều mà chúng ta cần lưu ý ở đây chính là năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự của người đó có thể được đứng tên trên sổ đỏ hay không. Chẳng hạn, đứa trẻ sơ sinh có thể đứng tên trên sổ đỏ nếu mảnh đất ấy nó được thừa kế từ cha, mẹ… nhưng cần có người đại diện theo pháp luật của đứa trẻ đó thực hiện;
- Thứ hai, trong trưởng hợp một mảnh đất mà có nhiều người có chung quyền sử dụng đất thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sử dụng của tất cả người này bằng cách ghi đầy đủ họ, tên của các đồng sở hữu và trao cho mỗi người 01 sổ đỏ. Trường hợp các đồng sở hữu cùng nhau thỏa thuận chỉ đứng tên một người đại diện thì Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng ghi tên đầy đủ họ, tên của tất cả các đồng sở hữu và trao cho người đại diện;
- Thứ ba, trong trường hợp mảnh đất ấy là tài sản chung của vợ chồng thì được xác định là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia (Điều 213 Bộ luật Dân sự năm 2015). Khi ấy, tài sản chung của vợ chồng này theo nguyên tắc phải được ghi đầy đủ họ, tên của hai người. Trừ trường hợp vợ và chồng thỏa thuận chỉ ghi tên một người;
- Thứ tư, một người có thể đứng tên trên bao nhiêu cuốn sổ đỏ: mảnh đất thuộc tài sản riêng hợp pháp theo quy định tại Điều 205 Bộ luật Dân sự năm 2015 của cá nhân, pháp nhân mang quốc tịch Việt Nam sẽ không bị hạn chẻ về số lượng và giá trị. Như vậy, một người có thể đứng tên trên 01, 02, 03… sổ đỏ mà không bị hạn chế về lượng sổ đỏ và giá trị của các mảnh đất được đứng tên;
- Thứ năm, đứng tên hộ trên sổ đỏ có hợp pháp không: việc nhờ người khác đứng tên hộ nhằm thực hiện nhiều mục đích khác nhau (như che dấu tài sản, các hoạt động chuyển dịch tài sản khác…) thì theo quy định của pháp luật đất đai không được Nhà nước ta công nhận.
Ngoài ra, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 thì người nước ngoài (không mang quốc tịch Việt Nam) không thuộc đối tượng được sở hữu tài sản là đất đai (bất động sản) ở nước ta. Do đó, họ không là đối tượng được đứng tên trong sổ đỏ.
2. Quy định của pháp luật về luật đứng tên trên sổ đỏ theo quy định của pháp luật về nhà ở
Tương tự như Luật Đất đai năm 2013 thì Luật Nhà ở năm 2014 là văn bản quy phạm pháp luật về điều chỉnh lĩnh vực nhà ở hiện hành. Vấn đề quy định của pháp luật về người đứng tên trên sổ đỏ về nhà ở được thực hiện theo những nguyên tắc nhất định được quy định ở Luật Nhà ở năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan, cụ thể như sau:
- Thứ nhất, đối tượng được đứng tên sở hữu nhà ở bao gồm: tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại Khoản 1 Điều 159 của Luật Nhà ở năm 2014;
- Thứ hai, giới hạn về quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài ở Việt Nam: hình thức sở hữu là thông qua đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam hoặc mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ. Họ chỉ được sở hữu tối đa là 30% căn hộ cũng như trong thời gian sở hữu không quá 50 năm.
Ngoài ra, những quy định khác liên quan đến độ tuổi được phép đứng tên trên giấy chứng nhận sở hữu nhà ở, số lượng sổ có thể đứng tên… đều được quy định hầu như giống với đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trên đây là tư vấn của Luật sưu DFC về vấn đề các quy định mới nhất của pháp luật về đứng tên trên sổ đỏ. Trường hợp bạn có thắc mắc hay vấn đề pháp lý cần hỗ trợ, gọi ngay tới số điện thoại 0913.348.538 để được Luật sư của chúng tôi tư vấn miễn phí.