Những điểm cần lưu ý khi giải quyết án kinh doanh thương mại

Về nguyên tắc, việc thụ lí vụ án kinh doanh, thương mại cũng giống như các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, lao động. Tuy nhiên, xuất phát từ đặc thù của quan hệ pháp luật tranh chấp mà việc thụ lí giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại có những lưu ý riêng như sau

Những điểm cần lưu ý khi giải quyết án kinh doanh thương mại

 Về nguyên tắc, việc thụ lí vụ án kinh doanh, thương mại cũng giống như các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, lao động. Tuy nhiên, xuất phát từ đặc thù của quan hệ pháp luật tranh chấp mà việc thụ lí giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại có những lưu ý riêng như sau

 1.      Những lưu ý khi soạn thảo đơn khởi kiện và giấy tờ kèm theo đơn khởi kiện vụ án kinh doanh, thương mại

Để thực hiện quyền khởi kiện, trước hết đương sự phải nộp đơn khởi kiện đến Toà án có thẩm quyền. Đơn khởi kiện vụ án kinh doanh, thương mại theo quy định chung về nội dung và hình thức đơn khởi kiện quy định tại Điều 164 BLTTDS. Tuy nhiên, nội dung và hình thức đơn khởi kiện vụ án kinh doanh, thương mại có những điểm riêng cần chú ý như sau

Nội dung tranh chấp phải được phản ánh rõ ràng trong đơn khởi kiện, đặc biệt đối với những tranh chấp có quy định bên bị vi phạm phải thực hiện việc khiếu nại trước khi khởi kiện ra toà án thì trong đơn kiện phải thể hiện rõ các bên tranh chấp đã khiếu nại với nhau hay chưa.

Những yêu cầu của nguyên đơn trong đơn khởi kiện phải cụ thể, rõ ràng. Yêu cầu của đương sự trong các vụ án kinh doanh, thương mại là các yêu cầu tính được bằng tiền và  tranh chấp về kinh doanh, thương mại không được miễn tạm ứng án phí. Do đó, giá trị tranh chấp giữa các bên là cơ sở để toà án tính tạm ứng án phí. Trên thực tế, nhiều đơn khởi kiện gửi đến Toà án đưa ra yêu cầu bằng ngoại tệ hoặc chỉ đưa ra mức lãi suất hoặc chỉ đưa ra số tiền là phạt hợp đồng, bồi thường thiệt hại. Trong những trường hợp này, Toà án phải yêu cầu đương sự quy đổi ra tiền Việt nam và có cách tính cụ thể để ra số tiền phạt hợp đồng, tiền bồi thường thiệt hại

Về hình thức đơn khởi kiện đối với các vụ án kinh doanh, thương mại cần lưu ý đến người đứng tên trong đơn kiện. Đương sự trong các tranh chấp kinh doanh, thương mại thường là các chủ thể kinh doanh có tư cách pháp nhân. Đó là công ty nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã. Người kí đơn khởi kiện trong trường hợp này là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Riêng đối với công ty hợp danh, các thành viên hợp danh đều có quyền đại diện theo pháp luật của công ty nhưng Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc là đại diện cho công ty với tư cách là nguyên đơn hoặc bị đơn trước Toà án. Do đó, Chủ tịch Hội đồng thành viên  có quyền kí đơn khởi kiện. Đối với doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp là người kí đơn khởi kiện. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân, cũng có thể uỷ quyền cho người khác kí đơn kiện và tham gia tố tụng tại Toà án. Ngoài ra, đương sự là công ty thì đơn kiện phải có dấu của công ty vào cuối đơn. Ví dụ, vụ án do đơn vị phụ thuộc của pháp nhân khởi kiện, đơn kiện do giám đốc chi nhánh không được uỷ quyền hợp pháp kí tên và đóng dấu chi nhánh. Trong những trường hợp như vậy, Toà án phải hướng dẫn cụ thể cho đương sự để sửa lại đơn khởi kiện theo đúng yêu cầu hoặc xuất trình giấy uỷ quyền hợp lệ.

Kèm theo đơn khởi kiện, khi tiến hành khởi kiện đương sự phải nộp kèm theo những giấy tờ tài liệu sau:

Đối với tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng kí kinh doanh và đều có mục đích lợi nhuận; Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận

Các giấy tờ, tài liệu chứng minh cho yêu cầu của mình: Văn bản hợp đồng mà các bên đã kí kết, các phụ lục hợp đồng (nếu có); Hoá đơn, chứng từ, giấy biên nhận, phiếu thu...liên quan đến việc giao nhận hàng hoá, cung ứng dịch vụ và thanh toán; Biên bản thanh lí hợp đồng; Công văn, giấy tờ, khiếu nại hoặc biên bản làm việc giữa các bên...

- Các giấy tờ tài liệu nhằm xác định tư cách pháp lí của người khởi kiện và người kí đơn kiện: Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh- đầu tư (nếu có); Điều lệ hoạt động của pháp nhân; Quyết định bổ nhiệm hoặc biên bản bầu người đại diện theo pháp luật, giấy uỷ quyền…

Đối với tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức công ty

Các giấy tờ, tài liệu chứng minh cho yêu cầu của mình: Điều lệ hoạt động của công ty; Danh sách thành viên (đối với công ty TNHH, công ty hợp danh), danh sách cổ đông sáng lập (đối với công ty cổ phần), sổ đăng kí thành viên, sổ đăng kí cổ đông; Biên bản bầu chức danh quản lí công ty; Biên bản định giá tài sản góp vốn của thành viên; Biên bản cuộc họp của cơ quan quản lí công ty liên quan đến nội dung tranh chấp; Các quyết định quản lí công ty liên quan đến nội dung tranh chấp...

Các giấy tờ, tài liệu chứng minh tư cách pháp lí của người khởi kiện và người kí đơn kiện (nếu có).

2.   Những lưu ý khi xác định tư cách người khởi kiện trong tranh chấp kinh doanh thương mại:

Thứ nhất, cần phải xem xét tư cách chủ thể pháp lí của người khởi kiện. Trong các vụ án phát sinh từ tranh chấp hợp đồng trong kinh doanh, người khởi kiện thường là các tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân. Đó là công ty nhà nước, Hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã, công ty trách nhiệm hữu hạn có 2 thành viên trở lên và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty cổ phần, công ty hợp danh.

Có nhiều trường hợp doanh nghiệp có thể thành lập các chi nhánh, đội sản xuất, phân xưởng, văn phòng đại diện... Đây chỉ là các đơn vị phụ thuộc của pháp nhân và không có tư cách chủ thể pháp lí độc lập để tham gia quan hệ tố tụng. Khi tranh chấp phát sinh từ hợp đồng do các đơn vị phụ thuộc kí kết thì pháp nhân có đơn vị phụ thuộc sẽ thực hiện quyền khởi kiện

Thứ hai: Xem xét tư cách người khởi kiện trong tranh chấp kinh doanh thương mại.

Quan hệ kinh doanh rất phức tạp và đa dạng, tham gia quan hệ có thể có nhiều chủ thể khác nhau. Để xác định chủ thể nào có quyền khởi kiện và chủ thể phải thực hiện nghĩa vụ, Thẩm phán phải xác định tranh chấp kinh doanh, thương mại đó phát sinh từ quan hệ pháp luật nào. Ví dụ như trong quan hệ đại diện cho thương nhân, quan hệ uỷ thác mua bán hàng hoá

Thứ ba, Cần phải xác định người khởi kiện có bị mất quyền khởi kiện không. Trong một số quan hệ pháp luật về kinh doanh, thương mại yêu cầu các bên tranh chấp phải thực hiện việc khiếu nại trong thời hạn khiếu nại, nếu không khiếu nại sẽ bị mất quyền khởi kiện. Ví dụ như trong quan hệ hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường thuỷ nội địa, bằng đường hàng không.

 

3.       Những lưu ý khi xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại.

Để xác định thẩm quyền giải quyết của Toà án trong các tranh chấp về kinh doanh, thương mại, trước hết cần phải xác định tranh chấp phải thuộc thẩm quyền giải quyết của hệ thống Toà án nhân dân hay thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài thương mại.

Cơ sở để phân định thẩm quyền giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại của Toà án và trọng tài là thoả thuận trọng tài giữa các bên. Điều 5 Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 quy định: “Trong trường hợp vụ tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài, nếu một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lí, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu”

Theo Pháp lệnh Trọng tài thương mại, thoả thuận trọng tài là thoả thuận giữa các bên cam kết giải quyết bằng trọng tài các vụ tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh trong hoạt động thương mại. Thoả thuận trọng tài phải được lập bằng văn bản trong đó, thừa nhận các hình thức văn bản như điện báo, telex, fax, thư điện tử hoặc hình thức văn bản khác trong đó thể hiện rõ ý chí của các bên giải quyết vụ tranh chấp bằng trọng tài. Thoả thuận trọng tài có thể là điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc là một thoả thuận riêng biệt

Khi giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại mà trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp, các bên có thoả thuận trọng tài, cần phải xem xét thoả thuận trọng tài có bị vô hiệu hay không. Thoả thuận trọng tài vô hiệu trong những trường hợp sau đây:

+ Tranh chấp phát sinh không thuộc hoạt động thương mại được quy định tại Pháp lệnh Trọng tài thương mại.

+ Người kí thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền kí kết theo quy định của pháp luật

+ Một bên kí kết thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

+ Thoả thuận trọng tài không quy định hoặc không quy định rõ đối tượng tranh chấp, tổ chức trọng tài có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp mà sau đó các bên không có thoả thuận bổ sung;

+ Thoả thuận trọng tài không được lập dưới hình thức văn bản;

+ Bên kí kết thoả thuận trọng tài bị lừa dối, bị đe doạ và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài vô hiệu;

Thẩm phán cần xem xét hiệu lực của thoả thuận trọng tài một cách độc lập với hiệu lực của quan hệ pháp luật đang tranh chấp. Việc thay đổi, gia hạn, huỷ bỏ hợp đồng, sự vô hiệu của hợp đồng không ảnh hưởng đến hiệu lực của điều khoản trọng tài

Khi xem xét thoả thuận trọng tài vô hiệu, Thẩm phán cũng cần chú ý một số trường hợp sau đây theo hướng dẫn tại Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán số 05/2003/NQ-HĐTP ngày 31/7/2003:

 

4.      Xác định thời hiệu khởi kiện vụ án kinh doanh, thương mại

Đối với những tranh chấp về kinh doanh, thương mại mà pháp luật không có quy định khác về thời hiệu khởi kiện thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết là 2 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức bị xâm phạm. (Khoản 1 Điều 159 BLTTDS). Do đặc thù của một số quan hệ pháp luật kinh doanh mà luật nội dung có quy định về thời hiệu khởi kiện và cách tính thời hiệu khởi kiện khác. Trong trường hợp này, cầnáp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện và cách tính thời hiệu khởi kiện theo quy định của luật nội dung đó để xác định đơn kiện có được nộp trong thời hiệu khởi kiện không.

Các tranh chấp thương mại thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật thương mại năm 2005 quy định thời hiệu khởi kiện là 2 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Xác định ngày bắt đầu thời hiệu khởi kiện là ngày có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm phụ thuộc vào từng tranh chấp. Các tranh chấp liên quan đến số lượng, chất lượng hàng hoá thì ngày có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm được hiểu là ngày giao nhận hàng, trường hợp hàng hoá có bảo hành là ngày hết thời hạn bảo hành đối với tranh chấp về chất lượng hàng hoá. Các tranh chấp khác liên quan đến nghĩa vụ phải hoàn thành theo hợp đồng thì ngày bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là ngày bên vi phạm phải hoàn thành nghĩa vụ hoặc trường hợp hàng hoá có bảo hành thì kể từ ngày hết thời hạn bảo hành.

Các tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm giữa cá nhân, tổ chức có đăng kí kinh doanh và đều có mục đích lợi nhuận cũng có quy định riêng về thời hiệu khởi kiện. Xuất phát từ đặc thù quan hệ bảo hiểm giữa các bên là thời gian hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực đối với các bên tương đối dài. Theo đó, Điều 30 Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm là 3 năm kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp.

Tranh chấp về hợp đồng vận chuyển hàng hoá, hành khách cũng là một tranh chấp khá phổ biến hiện nay khi điều kiện giao lưu thương mại ngày một phát triển. Bộ luật hàng hải năm 2005 có quy định riêng về thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường biển. Theo đó, thời hiệu khởi kiện về tổn thất hàng hoá vận chuyển theo chứng từ vận chuyển là 1 năm, kể từ ngày trả hàng hoặc lẽ ra phải trả hàng cho người nhận hàng. Thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng vận chuyển hàng hoá theo chuyến là 2 năm kể từ ngày người khởi kiện biết hoặc phải biết quyền lợi của mình bị xâm phạm. Luật giao thông đường thuỷ nội địa và Luật hàng không dân dụng lại có quy định về việc các bên phải khiếu nại với nhau trước khi khởi kiện ra Toà án. Nên trong vụ án phát sinh từ những tranh chấp này, Thẩm phán phải lưu ý các bên tranh chấp đã khiếu nại với nhau hay chưa và có trong thời hạn khiếu nại theo quy định của pháp luật hay không. Thời hạn khiếu nại đối với yêu cầu bồi thường hàng hoá trong hợp đồng vận chuyển hàng hoá đường thuỷ nội địa là 20 ngày kể từ ngày giao hàng. Thời hiệu khởi kiện là 1 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết yêu cầu đòi bồi thường. Đối với hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không, thời hạn khiếu nại là 14 ngày kể từ ngày nhận hàng đối với trường hợp thiếu hụt hàng hoá, 21 ngày đối với trường hợp mất mát hàng hoá. Thời hiệu khởi kiện là 1 năm kể từ ngày hàng hoá được vận chuyển tới địa điểm đến hoặc lẽ ra tàu bay phải đến địa điểm đến hoặc từ ngày việc vận chuyển bị đình chỉ.

 
 
 

Tin liên quan