Luật sư tư vấn cách tính suất thừa kế theo quy định pháp luật
Dưới đây là tư vấn của Luật sư DFC về quy định của pháp luật về cách tính suất thừa kế.
Hỏi: Chào luật sư tôi đang có một số thắc mắc liên quan đến vấn đề thừa kế.Luật sư hãy giúp tôi Tư vấn cách tính 2/3 suất thừa kế theo pháp luật.Tôi xin cảm ơn
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về Luật sư DFC chúng tôi để xin tư vấn, đối với câu hỏi của bạn chúng tôi xin được giải đáp như sau:
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật dân sự 2015
Nội dung tư vấn:
1.Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.Để lại di chúc là quyền định đoạt tài sản của mỗi cá nhân. Việc để lại di sản của mình cho ai hoàn toàn là quyền của người lập di chúc, không ai có thể can thiệp cũng như hạn chế quyền này của người lập di chúc.
Tuy nhiên, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của một số người thừa kế Bộ luật Dân sự khẳng định:
Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
+Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
+ Con thành niên mà không có khả năng lao động
2. Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.Để xác định suất của một người thừa kế theo pháp luật, phải biết được tổng giá trị di sản thừa kế mà một người để lại, số lượng người thừa kế được hưởng di sản thừa kế đó. Khi đó, công thức tính suất của một người thừa kế theo pháp luật như sau:
Suất của một người thừa kế theo pháp luật = Tổng giá trị di sản thừa kế / số người hưởng di sản thừa kế hợp pháp
*Lưu ý: Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
3.Cách tính 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật
Bộ luật dân sự 2015 đã quy định con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; con thành niên mà không có khả năng lao động vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản chia theo pháp luật một trong hai trường hợp:
- Những đối tượng trên không được người lập di chúc cho hưởng di sản;
- Những đối tượng trên chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất trong di chúc.
Di sản được hưởng = 2/3 x (Tổng giá trị di sản thừa kế / số người hưởng di sản thừa kế hợp pháp)
Trong đó:
Tổng giá trị di sản thừa kế: Là phần giá trị di sản thừa kế còn lại sau khi đã thanh toán các khoản chi phí liên quan đến thừa kế theo thứ tự nêu tại Điều 658 Bộ luật Dân sự:
- Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;
- Tiền cấp dưỡng còn thiếu;
- Chi phí cho việc bảo quản di sản;
- Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;
- Tiền công lao động;
- Tiền bồi thường thiệt hại;
- Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước;
- Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân;
- Tiền phạt;
- Các chi phí khác.
Số người hưởng di sản thừa kế hợp pháp: Là người thừa kế trong cùng hàng thừa kế thứ nhất hoặc hàng thừa kế thứ hai hoặc hàng thừa kế thứ ba (trừ người từ chối nhận di sản thừa kế và người không được quyền hưởng di sản theo khoản 2 Điều 644 Bộ luật Dân sự) nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Trên đây, là toàn bộ nội dung tư vấn của tôi liên quan đến Tư vấn cách tính 2/3 suất thừa kế theo pháp luật của bạn. Nếu qua bài viết, anh chị còn bất kỳ băn khoăn nào khác về vấn đề này vui lòng liên hệ , trừ về tổng đài 19006262 để được tư vấn và giải đáp tốt nhất.
Câu hỏi có liên quan:
1. Quyền của người lập di chúc
Người lập di chúc có quyền sau đây:
1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.
3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
4. Giao nghĩavụ cho người thừa kế.
5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
2. Nội dung của di chúc
1. Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;
b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
d) Di sản để lại và nơi có di sản.
2. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, di chúc có thể có các nội dung khác.
3. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.
3. Thừa kế thế vị
Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Trên đây là tư vấn của Luật sư DFC về quy định pháp luật hiện hành về vấn đề cách tính suất thừa kế. Trường hợp bạn đọc có thắc mắc hay có vấn đề pháp lý cần tư vấn, liên hệ ngay tới số điện thoại 0913.348.538 để được các Luật sư của chúng tôi trực tiếp giải đáp.