“Hiến pháp chung chung, dễ bị lạm dụng, dân còn bất an”

Chênh lợi ích giữa thu hồi đất và cơ chế thỏa thuận bồi thường với doanh nghiệp, người dân sẽ lại khiếu kiện. Nhưng thu hồi đất không nêu rõ trong Hiến pháp, để luật định cũng dễ bị lạm dụng, người dân lại bất an
 
Đó là một trong những vấn đề được đặt ra trong phiên thảo luận tại tổ của đại biểu Quốc hội về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, diễn ra ngày 23/10.
 
Lời nói đầu chưa hay
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cách làm rất công phu, nghiêm túc, khoa học, bài bản dân chủ. “Trong hơn hai năm qua đã triển khai việc nghiên cứu, tổng kết, bổ sung, sửa đổi Hiến pháp 1992 cho đến bây giờ tôi thấy là nội dung dự thảo về cơ bản đã rất tốt”, Tổng bí thư nhận xét.
 
“Hiến pháp chung chung, dễ bị lạm dụng, dân còn bất an”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
 
Cũng theo Tổng bí thư, với phương châm cái gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng và tạo được sự thống nhất cao thì có thể sửa. Còn những gì chưa rõ, chưa chín, chưa được kiểm nghiệm qua thực tiễn mà ý kiến còn khác nhau thì chưa nên sửa, chưa nên đưa vào. “Tôi thấy tất cả nội dung này đã đáp ứng được tư tưởng đó. Tôi tán thành”, ông nói.

Tuy nhiên, “bác” nhận xét của nhiều đại biểu về việc lời nói đầu trong dự thảo Hiến pháp đã rất hoàn thiện, Tổng Bí thư phân tích 4 điểm chưa ổn và bình luận, việc chỉnh lý đã đạt yêu cầu ngắn gọn hơn nhưng về nội dung “đúng thì chưa mà hay càng không đạt, lời nói đầu chưa thể xem như lời hịch, hiệu triệu cả dân tộc”.

Ám ảnh khiếu kiện về thu hồi đất
 
Quy định thu hồi đất trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là nội dung vẫn nhận nhiều tranh luận hơn cả trong phiên thảo luận tại các đoàn đại biểu Quốc hội.
 
Tại bản dự thảo trình ra Quốc hội lần này, Điều 54 nêu rõ: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.”
“Hiến pháp chung chung, dễ bị lạm dụng, dân còn bất an”
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm: "Văn bản luật chung chung dễ làm cho người thi hành lạm dụng. Điều đó làm cho người dân bất an"

Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) cho rằng thu hẹp phạm vi thu hồi đất sẽ giúp giảm khiếu kiện nhưng mọi quy định phải rõ ràng.

"Hiến pháp chỉ nên quy định “Nhà nước trưng dụng và thu hồi đất theo luật định” chứ không đưa các trường hợp thu hồi đất vào Hiến pháp vì còn thu hồi đất thì còn khiếu kiện” – ông Tường phân tích, không phải cứ trả tiền cao lên là dân đồng ý. Thực tế văn hóa sử dụng đất còn gắn với tâm linh, mồ mả, long mạch, đền thờ, miếu mạo... Tuy nhiên, công cuộc công nghiệp hóa, nhà nước không không thể không thu hồi. Nhưng khi đó, nhà nước phải chứng minh được lợi ích mà dự án mang lại, và quy định điều này trong luật Đất đai.

Trình bày mối lo lắng tương tự, đại biểu Doãn Thế Cường (Hưng Yên) cảnh báo, việc phân tách giữa trường hợp được thu hồi đất và trường hợp phải thỏa thuận bồi thường với dân không đơn giản. Khi đó có thể xuất hiện việc cùng 1 làng,1 ấp mà nhà thì bị thu hồi theo dự án phục vụ việc làm đường công cộng, phải chịu mức giá nhà nước quy định rất thấp trong khi đó, cách một bờ mương, hộ gia đình khác lại được thỏa thuận với DN để làm dự án kinh tế, giá cao hẳn.

“Vậy thì ai chấp nhận được, sẽ lại khiếu kiện suốt”- ông Cường lắc đầu.

Góp cổ phần bằng quyền sử dụng đất, cần rất cân nhắc vì nếu DN sau đó làm ăn lỗ thì người dân mất sạch, trắng tay. Thao tác báo lỗ hiện tại lại quá đơn giản.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) lại cho rằng, không nên “treo” thêm đuôi “do luật định” vào nội dung này mà cần nêu cụ thể ngay trong Hiến pháp.

Theo đại biểu, thu hồi đất có nhiều mục đích nhưng điều người dân quan tâm nhất là quyền lợi hợp pháp của mình bị ảnh hưởng như thế nào. Vì thế dù thu hồi vì mục đích nào cũng phải đền bù như nhau về giá thì mới công bằng. Trên thực tế có thể 2 dự án nằm bên nhau mục đích khác nhau nên thu hồi ở mọi dự án đều phải theo giá thị trường, phù hợp với giá thị trường thì vì mục đích gì dân cũng ủng hộ.

Sự cần thiết bỏ đuôi “do luật định” theo đại biểu Tâm là vì trên thực tế có thể có văn bản pháp luật dễ làm cho người thi hành lạm dụng, lợi dụng làm giàu bất chính, và điều đó làm cho dân bất an.

Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) đi thẳng vào băn khoăn xung quanh việc thu hồi đất của tổ chức cá nhân để phát triển kinh tế. Đánh giá điều khoản quy định tại dự thảo lần này đã khá rõ ràng, khá đầy đủ, ông Tiếp lưu ý thêm thực tế, việc thu hồi đất cho dự án, nhất là dự án khu đô thị vừa rất phức tạp, gây nhiều bức xúc cho nhân dân, nhiều dự án được thu hồi đất xong rồi bỏ hoang gây lãng phí. Các địa phương cũng có nhiều biểu hiện vượt quá thẩm quyền khi quyết định thu hồi đất. Vì vậy, đại biểu nhấn mạnh, việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch như quy định để đảm bảo cho người dân thực hiện quyền giám sát của mình.

“Đố” HĐND thành phố triệu Chủ tịch UBND quận đến họp chất vấn

Nội dung thứ 2 còn nhiều tranh luận như báo cáo tổng kết về việc chỉnh lý bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần chót này đã nêu là chương quy định về chính quyền địa phương.

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cho rằng đối với chính quyền nông thôn (cấp huyện, xã) thì nên tiếp tục duy trì như hiện nay, nhưng chính quyền địa phương ở đô thị và hải đảo đã có độ chín muồi để sửa đổi.

Cụ thể, tại địa phương, theo ông Phúc, có cấp không phải tổ chức chính quyền mà chỉ cần cơ quan đại diện hành chính. “Nếu cấp chính quyền phường không tổ chức HĐND và UBND thì vẫn có cơ chế để bảo đảm cho cơ chế giám sát, dân chủ trên địa bàn. Khi đó, HĐND cùng với UBND của thành phố, thị xã sẽ thực hiện nhiệm vụ giám sát” - ông Phúc nói.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) trích dẫn điều 114 trong dự thảo:  “UBND do HĐND cùng cấp bầu hoặc do HĐND cấp trên trực tiếp phê chuẩn theo đề nghị của chủ tịch UBND cùng cấp”.

Phân tích ra, ông Hùng cho là điều luật nêu hàm ý sẽ tổ chức bộ máy ở địa phương có những cấp không có HĐND. Nêu rõ băn khoăn, ông Hùng cho rằng, đã là chính quyền địa phương thì phải tổ chức theo mô hình đầy đủ, phải do dân bầu, nếu không có HĐND ở cấp nào đó thì người dân ở 1 số địa bàn sẽ không có quyền bầu ra người đại diện cho mình. Rõ ràng ở những nơi đó không có chính quyền nào do dân bầu cả cấp ủy không phải, MTTQ cũng không, UBND cũng không nốt. Như vậy sẽ không có bình đẳng giữa người dân ở các nơi.

Ngoài ra, HĐND có chức năng giám sát và một trong những kênh giám sát là chất vấn. Đại biểu dẫn chứng, ở những thành phố không có HĐND quận, phường, khó có chuyện HĐND thành phố có khả năng mời chủ tịch UBND quận, phường đến kỳ họp để chất vấn. Đó là một thực tế cần được giải thích thấu đáo.

Đại biểu Hồ Thanh Thủy (Vĩnh Phúc) cũng góp ý, nên quy định cụ thể chính quyền có bao nhiêu cấp và chính quyền gồm những cơ quan nào, không nên “để lửng” như trong dự thảo. Bên cạnh đó, cũng nên quy định chính quyền địa phương gồm có UBND và HĐND. Như vậy, cấp chính quyền địa phương nào có UBND thì sẽ có HĐND tương ứng.

Bà Thủy chung mối băn khoăn về Điều 114 vẫn "bỏ ngỏ" chính quyền địa phương, nơi có HĐND, nơi không như đại biểu Hùng đề cập. Theo nữ đại biểu đến thời điểm này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau như vậy, sau này khi sửa Luật HĐND và UBND, với bản Hiến pháp quy định chung chung như này sẽ rất khó. 

Tin liên quan