Quy định mới nhất của pháp luật về hành vi ngoại tình
1. Quy định của pháp luật về hành vi ngoại tình
1.1. Ngoại tình là gì?
Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình thì hình thức một vợ một chồng là hợp pháp, vợ chồng có nghĩa vụ chung thủy với nhau. Ngoại tình có thể hiểu là việc một người đã kết hôn nhưng có hành vi quan hệ tình cảm hoặc thậm chí là sống chung như vợ chồng với người không phải là người vợ/chồng hợp pháp của họ.
Hành vi ngoại tình được xem là vi phạm nghĩa vụ chung thủy của vợ chồng. Ngoài ra, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, pháp luật nghiêm cấm hành vi "người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ".
1.2. Pháp luật quy định như thế nào về việc xử lý đối với hành vi ngoại tình
Như đã phân tích ở trên, hành vi ngoại tình là hành vi vi phạm pháp luật, do đó người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm.
Xử phạt hành chính
Theo Theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP do Chính Phủ ban hành ngày 15/07/2020, người có hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu có một trong các hành vi sau:
- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
- Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.
Do đó, đối với hành vi sống chung với người khác như vợ chồng mà chưa gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử phạt hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với mục đích răn đe, cảnh cáo đối với người có hành vi vi phạm.
Xử lý hình sự
Tùy theo mức độ nghiêm trọng của vấn đề mà hành vi ngoại tình còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, người có hành vi ngoại tình sẽ bị xử lý hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Cụ thể:
Một là, người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Hai là, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Ngoại tình là một trong những điều kiện để giải quyết ly hôn theo quy định pháp luật hiện nay (ảnh từ Internet)
2. Căn cứ để yêu cầu ly hôn và xử lý hành vi ngoại tình
Vợ hoặc chồng của người có hành vi ngoại tình, khi muốn yêu cầu ly hôn hoặc tố cáo hành vi ngoại tình thì phải có bằng chứng chứng minh hành vi vi phạm này.
Theo quy định tại Điều 93 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, bằng chứng chứng minh vợ hoặc chồng ngoại tình được xem như chứng cứ trong vụ việc dân sự. Đây là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được, sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.
Bằng chứng chứng minh hành vi ngoại tình có thể là:
- Tin nhắn; hình ảnh; băng ghi âm; ghi hình cho thấy có dấu hiệu ngoại tình. Những tin nhắn; hình ảnh này phải là những tin nhắn do chính người thực hiện hành vi ngoại tình nhắn tin và các hình ảnh phải là hình ảnh chụp lại cử chỉ thân mật; vượt quá giới hạn của người có hành vi ngoại tình và người tình của họ.
- Chứng cứ về việc chồng/ vợ có con riêng với người thứ ba thông qua biện pháp xác định quan hệ huyết thống: giám định ADN,...
- Lời khai của người có hành vi ngoại tình
Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật DFC về quy định của pháp luật về hành vi ngoại tình. Hy vọng đã cung cấp đươc cho bạn đọc những thông tin hữu ích. Với kinh nghiệm gần 20 năm trong lĩnh vực pháp lý, Luật DFC là một trong những những công ty Luật uy tín với đội ngũ luật sư chuyên nghiệp và làm việc tận tâm. Chúng tôi đã đồng hành bảo vệ quyền và lợi ích cho hàng ngàn khách hàng. Nếu quý bạn đọc có bất kỳ thắc mắc pháp lý nào liên quan đến lĩnh vực hôn nhân gia đình cần được hỗ trợ, vui lòng liên hệ tổng đài tư vấn luật hôn nhân gia đình miễn phí 0913.348.538 để nhận được tư vấn.