Các trường hợp hạn chế quyền ly hôn giữa vợ và chồng theo quy định pháp luật

Hôn nhân không có tình yêu hoặc vợ chồng có quá nhiều điểm khác nhau về cách sống, quan điểm sống… sẽ dẫn đến bờ vực của sự chia ly. Sự tan vỡ trong hôn nhân là điều không ai mong muốn, và người chịu thiệt thòi hơn tất cả chính là những đứa con. Dưới đây là tư vấn của Luật sư DFC về các trường hợp hạn chế quyền ly hôn giữa vợ và chồng theo quy định của pháp luật.

Hỏi: Chào Luật sư, tôi và chồng kết hôn từ năm 2016 và có một bé trai năm nay được 08 tháng tuổi. Do vợ chồng không cùng quan điểm sống, chồng tôi thường xuyên chơi lô đề, cờ bạc không quan tâm và yêu thương vợ, con; nhiều lần đã đánh đập và xúc phạm đến tôi và gia đình tôi, nay cuộc sống hôn nhân không còn hạnh phúc nên chồng tôi muốn ly hôn. Luật sư cho tôi hỏi nếu tôi chưa muốn ly hôn do con còn quá nhỏ thì chồng tôi có quyền ly hôn hay không? Quy định của pháp luật về các trường hợp hạn chế quyền ly hôn giữa vợ và chồng như thế nào? Trong trường hợp chồng tôi đòi nuôi con thì tôi có khả năng được nuôi con hay không? Xin Luật sư tư vấn giúp tôi.

Đáp: Chào chị, cảm ơn chị đã gửi câu hỏi tư vấn đến Tổng đài tư vấn pháp luật Công ty Luật DFC. Sau đây chúng tôi xin giải đáp thắc mắc cho chị về các trường hợp hạn chế quyền ly hôn giữa vợ và chồng như thế nào? như sau:

Căn cứ pháp lý:

- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2015

- Các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

Nội dung tư vấn: 

1. Quy định của pháp luật về các trường hợp hạn chế quyền ly hôn giữa vợ và chồng như thế nào?

Theo Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định quyền nộp đơn yêu cầu giải quyết ly hôn như sau: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.”

Tuy nhiên, tại Khoản 3 Luật này quy định : “ Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.

Như vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho người phụ nữ và trẻ em, pháp luật hiện hành hạn chế quyền ly hôn của người chồng trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Trong tình huống này của gia đình chị, do chị đang trực tiếp là người nuôi con chính là người đang chăm sóc, trông nom, nuôi dưỡng con dưới 12 tháng nên không có tranh chấp về việc xác định cụ thể người chồng có bị hạn chế quyền ly hôn hay không. 

Vì vậy, người chồng trong trường hợp này chỉ được phép ly hôn khi có sự đồng ý của người vợ mới có quyền yêu cầu ly hôn.

2. Trường hợp chồng tôi đòi nuôi con thì tôi có khả năng được nuôi con hay không?

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, con dưới 03 tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì vợ chồng có thể thỏa thuận để phù hợp với lợi ích của con.

Như vậy, trong trường hợp chồng chị cũng muốn đòi quyền nuôi con thì Tòa án sẽ xem xét các yếu tố sau đây để quyết định ai là người được nuôi con:

  • Điều kiện về vật chất: Nơi ở, môi trường sống, sinh hoạt, học tập… mà mỗi người có thể dành cho con dựa trên công việc của bố mẹ, thu nhập hợp pháp, chỗ ở của bố mẹ.
  • Các yếu tố về tinh thần: Thời gian chăm sóc, nuôi dạy con học tập, tình yêu thương, sự quan tâm của cha mẹ dành cho con, điều kiện vui chơi, giải trí, trình độ học vấn của cha mẹ….

Như vậy, khi chị chứng minh mình đủ điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục và phù hợp với các lợi ích của con thì Tòa án sẽ xem xét cho chị được trực tiếp nuôi con mà không cần phụ thuộc vào tài chính của chồng chị nhiều hơn chị.

Trên đây là thông tin tư vấn của Luật sư Công ty Luật DFC về các trường hợp hạn chế quyền ly hôn giữa vợ và chồng cũng như trường hợp chồng tôi đòi nuôi con thì tôi có khả năng được nuôi con hay không? chị. Nếu như còn thắc mắc, chị vui lòng gọi tới Tổng đài Tư vấn pháp luật 0913.348.538 để được tư vấn kỹ lưỡng hơn từ Công ty.

Tin liên quan