Luật sư DFC đưa ra giải pháp về sự việc phụ huynh đánh cô giáo tại Nghệ An

Nếu sau khi Cơ quan chức năng xác minh, làm rõ đúng có sự việc xảy ra đối với trường hợp của cô giáo tại trường Mầm non Việt – Lào, TP. Vinh, có thể tách ra hành vi vi phạm của phụ huynh học sinh như sau:
Đối với hành vi bắt cô giáo quỳ 

1. Hành vi của phụ huynh đã vi phạm những quy định nào của pháp luật

Nếu đúng là phụ huynh học sinh kia đã có lời nói, gây sức ép bắt cô giáo phải quỳ gối quỳ xin lỗi trước mặt đồng nghiệp, các cháu học sinh là hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người giáo viên; là hành vi vi phạm pháp luất và cần phải được pháp luật bảo vệ. Theo quy định tại Điều 19, Nghị định số 138/2013/NĐ-CP quy định về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục sẽ bị phát từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng
Cũng theo quy định tại Khoản 1, Điều 155 BLHS năm 2015 quy định về tội làm nhục người khác: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”
Đối với hành vi túm tóc, kéo và đánh đập cô giáo 
Tại Điểm e, Khoản 1, Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội cố ý gây tương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:
Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
......
e, Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
Hiện tại phải đợi kết quả điều tra, làm rõ chính thức của cơ quan chức năng về hành vi của phụ huynh học sinh, cũng như tỷ lệ thương tích của cô giáo mới có cơ sở kết luận phụ huynh học sinh kia có vi phạm hay không vi phạm Điều 134 BLHS 2015. Trường hợp, nếu đủ cơ sở cấu thành tội làm nhục người khác hoặc tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác, chắc chắn cơ quan pháp luật sẽ xử lý hành vi vi phạm của phụ huynh học sinh đúng pháp luật
2. Giải pháp nhằm ngăn chặn, hạn chế tình trạng giáo viên bị xúc phạm, bạo hành trong nhà trường 
Thiết nghĩ, để xác định phụ huynh học sinh đó phạm tội hay không phạm tội, theo cá nhân thì cũng không phải là việc khó đối với cơ quan điều tra. Thế nhưng buộc tội, xét xử, bắt tạm giam một người, một phụ huynh học sinh này, chúng ta có dám chắc tình trạng phụ huynh ngược đãi, bạo hành giáo viên liệu có thuyên giảm; nhất là trong bối cảnh xã hội xô bồ, xã hội mà niềm tin giữa con người với nhau không còn được đảm bảo; tư tưởng đạo đức, nhân cách của một bộ phận không nhỏ con người đang bị “sói mòn” theo thời gian. Do đó, xử phạt và buộc tội một cá nhân không phải là giải pháp đầy đủ, toàn diện và tận gốc; ngành giáo dục mà cụ thể là giáo dục mầm non tự mình phải nhìn nhận, đánh giá lại và đưa ra giải pháp toàn diện, tổng thể để hạn chế, ngăn chặn những hành vi bạo lực đó; một trong các giải pháp cụ thể đó là:
Trước hết, ngành giáo dục phải tự mình nhìn nhận, kiểm điểm lại hoạt động quản lý giáo dục, đào tạo của mình. 
Chúng ta chưa thấy người đứng đầu trường, cơ sở giáo dục hay lãnh đạo ngành giáo dục địa phương nào đứng ra nhận trách nhiệm, xin lỗi và có hành động thiết thực khi để cơ sở đào tạo của mình, địa phương mình có tình trạng giáo viên bạo hành với học sinh. Chúng ta chắc không thể quên và cũng không khỏi xót xa, phẫn nộ cho rất nhiều trường hợp học sinh bị cô giáo dùng chổi, bình nhựa, nắp vung và các vật cứng khác đánh vào đầu, vào người làm chấn thương, thâm tín cơ thể các cháu bé học sinh. Chính điều này đã làm mất đi hình ảnh đẹp đẽ, nhân văn về người thầy, người cô; thậm chí trong nhiều phụ huynh chính đó là những cảnh tượng ghê dợn, dùng mình mỗi lần xuất hiện hình ảnh một bảo mẫu dơ vật dụng đánh đập vào đầu vào người các cháu nhỏ. 
Bởi vậy, niềm tin của phụ huynh học sinh với các thầy cô dạy trẻ đã dần bị vơi đi, thay vào đó là lỗi ám ảnh, sự nghi ngờ, và tâm trạng lo lắng, sợ con mình bị rơi vào cảnh ngược đãi đó. Cho nên, các cô giáo chỉ cần có một hành vi nho nhỏ tác động đến cơ thể các cháu thì lập tức bị phụ huynh tra cứu, truy tìm và đòi hành động trả thủ. Mặc dù những việc bạo hành, ngược đãi học sinh của cô giáo rất ít nhưng đã làm ảnh hưởng, làm mất đi hình ảnh cao cả, ý nghĩa thiêng liêng của nghề “dạy người”.
Trong thực tế, khi để xảy ra tình trạng học sinh bị bạo lực, người lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo ngành giáo dục của địa phương chưa thực sự có những lời xin lỗi chân thành, những biện pháp, hành động thiết thực để chia sẻ, giảm bớt những bức xúc, lo lắng của gia đình học sinh. Cho nên việc làm này, ngành giáo dục phải nghiêm túc nhìn nhận, kiểm điểm lại; từ đó mới hy vọng lấy lại được niềm tin, hình ảnh của thầy cô đối với gia đình, phụ huynh học sinh. 
Cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử hoặc kỹ năng sư phạm của giáo viên trong trường học
Ngành giáo dục mầm non nói chung hoặc từng cơ sở dạy trẻ nói riêng cần phải xây dựng được bộ quy tắc ứng xử hay là các kỹ năng sư phạm của giáo viên khi học sinh có biểu hiện không ngoan tại nhà trường. Bộ quy tắc, các kỹ năng này cần phải được xin ý kiến rộng rãi và được sự thống nhất của cha mẹ, phụ huynh học sinh. Sau đó, nhà trường tiến hành tập huấn, phổ biến, triển khai các kỹ năng này đến toàn thể các giáo viên cũng như các đại diện phụ huynh của các em học sinh.
Trên cơ sở được sự thông nhất với phụ huynh học sinh về cách thức, phương pháp giáo dục trẻ, chắc chắn các cô giáo sẽ tự tin áp dụng và dạy dỗ các con được tốt và thuận lợi hơn. Đối với đội ngũ giáo viên trẻ, ít kinh nghiệm bộ quy tắc này sẽ giúp cho các thầy, cô bớt lo lắng và có niềm tin hơn trong quá trình hành nghề nhất là khi gặp phải các học sinh cá biệt, không ngoan .
Đành rằng, không có bộ quy tắc ứng xử nào có thể xử lý, giải quyết hết tất cả các trường hợp phát sinh trong thực tế. Tuy nhiên, khi giáo viên có một “bảo bối” là bộ quy tắc ứng xử cộng với cách dạy bảo, rèn rũa các cháu bằng “cái tâm, cái đức” thì dù giáo viên có những hành động hơi quá (quát mắng, đánh nhẹ vào tay, người các cháu... ), chắc chắn phụ huynh học sinh sẽ thấu hiểu và chia sẻ với phương pháp của thầy, cô; bởi đó tất cả là vì mong muốn các cháu nên người. 
Đẩy mạnh các hoạt động gắn kết, kết nối giữa nhà trường và gia đình
Chắc chắn, trong hầu hết các bậc phụ huynh học sinh đều rất muốn biết và tìm hiểu về phương pháp dạy dỗ, tìm hiểu về nhà trường, về các thầy cô, những người mà hàng ngày dạy dỗ, bảo ban con cái mình. Để đạt được nguyện vọng đó, các cơ sở giáo dục định kỳ hoặc thường xuyên phải tổ chức các buổi gặp gỡ, giao lưu giữa phụ huynh học sinh với nhà trường. Thông qua các buổi gặp gỡ, giao lưu như thế, thông tin giữa gia đình và nhà trường sẽ được trao đổi, chia sẻ nhiều hơn; mối quan hệ giữa phụ huynh học sinh với các thầy cô được gắn kết hơn. Thực tế hiện nay, các buổi gặp gỡ giữa gia đình với nhà trường chủ yếu được tổ chức là bằng các buổi họp phụ huynh học sinh. Trong khi các buổi họp phụ huynh một năm được tổ chức không nhiều. Mặt khác, tại buổi này thông tin các phụ huynh được nắm bắt chủ yếu là thông tin về việc học tập, đạo đức của con mình. Thông tin về phương pháp giáo dục, thông tin về nhà trường về thầy, cô chắc chắn chưa có trường nào chia sẻ và cung cấp. Chính lẽ đó, sự gắn kết hay đúng hơn là khoảng cách giữa giáo viên, nhà trường với phụ huynh học sinh bị cách xa, không được kết nối. Bởi vậy, nếu có những hành động nhỏ, hơi quá của thầy cô với học trò, chắc chắn phụ huynh sẽ không hiểu để thông cảm và chia sẻ cho. Khi đó, mâu thuẫn, sự xung đột khó giải quyết và dễ dẫn đến hành động trả đũa bằng lời nói hoặc hành vi từ phụ huynh học sinh đối với thầy cô. 
Thiết nghĩ, nhà trường cần đẩy mạnh tổ chức hoạt động giao lưu, gắn kết giữa nhà trường với gia đình. Hoạt động này được tổ chức thường xuyên, định kỳ chắc chắn việc giáo dục, dạy bảo con cái sẽ gặp rất nhiều thuận lợi. Sự xung đột, mâu thuẫn giữa phụ huynh với thầy cô, nhà trường chắc chắn sẽ thuyên giảm, tạo nên một môi trường, một hệ thống giáo dục đào tạo đồng bộ, bền chặt và sâu sắc.

Tin liên quan