Cần quyết liệt xử lý nợ xấu khi cổ phần hoá
Cần quyết liệt xử lý nợ xấu khi cổ phần hoá Cùng với việc Việt Nam gia nhập WTO, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có những bước điều chỉnh, tái cấu trúc ở từng mức độ và cấp độ khác nhau.
Xét về góc độ tài chính, tái cấu trúc doanh nghiệp là một thuật ngữ thời thượng trong quản lý tài chính doanh nghiệp hiện nay. Khi chính sách tài chính hiện tại của doanh nghiệp tỏ ra không hiệu quả, không phù hợp với hoàn cảnh có tính chất bước ngoặt, người ta thường nghĩ đến việc tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp.
Theo ông Trần Duy Hưng, Giám đốc Công ty tư vấn First Asia: “Chiến lược tái cấu trúc tài chính thường được áp dụng cho các doanh nghiệp gặp khó khăn, khủng hoảng hoặc phá sản. tái cấu trúc tài chính được xem là liều thuốc mạnh chữa căn bệnh của doanh nghiệp, liệu pháp này có thể gây sốc cho doanh nghiệp.” Vì vậy, việc tái cấu trúc đòi hỏi một sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định.
Cơ cấu lại cấu trúc tài chính doanh nghiệp là một vấn đề hết sức quan trọng. Nhiều doanh nghiệp khi thực hiện tái cấu trúc về mặt tài chính đang gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá các khoản tài sản của doanh nghiệp, lựa chọn cơ cấu vốn và chuyển đổi, kế thừa và thu hồi các khoản nợ.
Về nguyên tắc, các doanh nghiệp sau khi chuyển đổi hình thức có trách nhiệm phải kế thừa các khoản nợ phải trả và thu hồi các khoản nợ phải thu. Trước đây, các doanh nghiệp chuyển đổi theo hình thức “giao” hoặc “bán” có thể được Nhà nước hỗ trợ bằng việc xoá các khoản nợ ngân sách, để giảm các khoản lỗ của doanh nghiệp, hoặc cơ cấu lại các khoản nợ phải trả của các ngân hàng thương mại quốc doanh để giảm bớt các khoản nợ của các doanh nghiệp đó đối với các ngân hàng thương mại ngoài quốc doanh.
Tuy nhiên từ 1/7/2007, luật quản lý thuế không còn cho phép việc xoá nợ ngân sách nữa, các doanh nghiệp chuyển đổi hình thức sở hữu dưới hình thức “giao” hoặc “bán” doanh nghiệp phải tự xoay sở các khoản nợ của mình.
Các khoản nợ xấu có ảnh hưởng rất lớn đến luồng tiền của doanh nghiệp, một yếu tố quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ông Duy Hưng nhận xét, doanh nghiệp có thể bán được hàng rất tốt nhưng không thu hồi được nợ thì cũng có thể dẫn đến phá sản.
Vì vậy, doanh nghiệp cần có một chính sách quản lý nợ hợp lý với chính sách bán chịu hàng để đảm bảo luồng tiền mặt tốt. Việc xử lý các khoản nợ khó đòi cũng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tái cấu trúc.
Nhiều chuyên gia cho rằng, với các khoản nợ xấu cần có nhiều biện pháp xử lý, cần thiết lập các khoản dự phòng về nợ khó đòi. Nếu là nợ không đòi được thì cần mạnh dạn đưa ra ngoại bảng, để thấy rõ thực trạng nợ của doanh nghiệp và chọn lựa phương án tái cấu trúc cho phù hợp.
Bà Hồng Loan, Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết: “Một số công ty nhà nước ngại xử lý nợ. Vì xử lý nợ nhiều quá thì dẫn đến lỗ, dẫn đến tình trạng, đang sản xuất kinh doanh thì có lãi mà thực hiện cổ phần hoá thì lại lỗ. Vì thế, không ít doanh nghiệp không xử lý nợ xấu, bên cạnh đó cũng có rất nhiều doanh nghiệp muốn xử lý nhưng không được, vì theo quy định hiện nay, chỉ có nợ không đòi được mới đưa ra ngoại bảng thôi còn nợ khó đòi thì không đưa ra ngoại bảng.
Vấn đề đưa hay không đưa ra ngoại bảng cũng cũng phải được thể hiện trong nội dung cáo bạch. Chúng tôi khuyến cáo các doanh nghiệp đưa các khoản nợ xấu vào báo cáo giải trình, trong báo cáo tài chính hoặc đưa vào trong cáo bạch, thật rõ ràng về tình trạng xử lý nợ, và các khoản dự phòng nợ khó đòi.”
Hơn nữa, Nhà nước cũng có các chính sách làm các doanh nghiệp cảm thấy chưa rõ ràng trong việc quyết định chính sách riêng của mình về khấu hao tài sản. Bà Loan nhận xét, Luật đầu tư khuyến khích các doanh nghiệp khấu hao nhanh, nhưng chỉ tối đa hai lần.
Nhưng theo quy định luật thuế, muốn khấu hao nhanh hai lần thì doanh nghiệp phải có lãi. Như vậy, nếu lỗ thật nhưng luồng tiền vẫn vào, luồng tiền vẫn tốt thì chưa chắc đã là xấu.
Như vậy nếu Nhà nước quy định là phải có lãi mới được khấu hao hai lần cũng là một hạn chế đối với doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp cần so sánh với chính sách Nhà nước, so sánh với bên ngoài, và so sánh với nội tại chúng ta để xem một cấu trúc như thế nào là hợp lý.
Một thắc mắc được nhiều doanh nghiệp Nhà nước sau khi cổ phần hoá đặt ra là, ở thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, thì một khoản nợ vẫn chưa phải là nợ xấu, nhưng sau khi trở thành công ty cổ phần rồi lại trở thành nợ xấu thì công ty cổ phần có được hỗ trợ từ Nhà nước hay không.
Theo bà Loan, khi xác định giá trị vốn nhà nước, thực chất là xác định giá trị tài sản thuần, để cổ phần hoá, để bán thì đã lấy tổng tài sản trừ đi nợ phải trả, có nghĩa là khoản nợ phải trả đấy đã được đảm bảo bằng một lượng tài sản tương ứng rồi, vì vậy doanh nghiệp phải tự chịu về khoản nợ đấy thôi. Nhà nước không thể có chính sách đi theo, hỗ trợ cho doanh nghiệp mãi được. Đặc biệt, bây giờ chúng ta hội nhập rồi, chúng ta hỗ trợ cho các doanh nghiệp như vậy là dưới hình thức trợ cấp, mà trợ cấp là vi phạm cam kết gia nhập WTO.