Có cần chứng minh tài chính để giành quyền nuôi con không?

Dưới đây là tư vấn của Luật sư DFC về vấn đề có cần chứng minh tài chính để giành quyền nuôi con hay không?

Khách hàng: Thưa Luật sư, tôi tên Nam năm nay 26 tuổi. Tôi đang tiến hành thủ tục ly hôn với vợ tại Tòa án. Chúng tôi có 01 con chung, bé trai vừa tròn 4 tuổi. Tôi muốn giành quyền nuôi con nhưng không biết tôi có phải chứng minh tài chính để được nuôi con không ? Luật sư tư vấn giúp tôi. Xin cảm ơn !

Công ty Luật DFC: Cảm ơn anh đã tin tưởng và  gửi câu hỏi về hòm thư điện tử gmail: luatsudfc@gmail.com của chúng tôi. Đội ngũ Luật sư DFC đã  nắm bắt được sự việc của anh và đưa ra thông tin giải đáp về câu hỏi của anh. Sau đây là nội dung tư vấn chi tiết:

Căn cứ pháp lý:

- Luật Hôn nhân gia đình 2014

Nội dung tư vấn:

Theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình 2014 về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn, cụ thể: 

“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Về mặt quy định pháp luật, con dưới 36 tháng được giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, trừ trường hợp người chồng chứng minh được mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con và phải chứng minh được bản thân có khả năng nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn.

Con trên 03 tuổi đến dưới 07 tuổi Tòa án sẽ căn cứ vào điều kiện về tài chính, tinh thần vợ hoặc chồng để giao cho người nào trực tiếp nuôi dưỡng. Người có điều kiện tốt hơn và dành nhiều thời gian chăm sóc, yêu thương con thì sẽ được Tòa án xem xét giao quyền nuôi con cho người đó. 

Con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con nhưng không đồng nghĩa Tòa sẽ chấp nhận theo sự lựa chọn đó. Mà đây chỉ là một yếu tố để Tòa án cân nhắc, xem xét trong trường hợp cả vợ và chồng đều có những điều kiện về tài chính, tinh thần tương đương nhau.  

Tóm lại, để giành được quyền nuôi con thì việc anh phải chứng minh tài chính không thể thiếu. Bởi vì, khi cha mẹ có điều kiện về mặt tài chính thì mới có thể đảm bảo cho con được phát triển toàn diện về mọi mặt. Việc ly hôn của cha mẹ đã phần nào khiến cho trẻ bị thiếu thốn tình thương khi chỉ sống với cha hoặc mẹ. Mất đi hơi ấm, tổ ấm của gia đình cũng sẽ tác động đến tâm lý, hành động của trẻ sau này. Hậu quả của ly hôn có thể dễ dàng nhận thấy đó là sự thiệt thòi đối với những đứa trẻ. Việc Tòa án xem xét các yếu tố về vật chất, tinh thần của cha hoặc mẹ là cũng để bảo vệ lợi ích cho trẻ. Nhằm cho trẻ có được một môi trường sống tốt nhất, có đầy đủ điều kiện để phát triển về tâm sinh lý, được học tập, vui chơi bình thường như những đứa trẻ sống trong sự bao bọc, nuôi dưỡng, dạy dỗ đầy đủ cả cha lẫn mẹ.  

Để chứng minh điều kiện về tài chính, vật chất thì anh cần phải có các căn cứ chứng minh về thu nhập, chỗ ở, tài sản khác…Chứng minh thu nhập ổn định thông qua bảng lương, giấy xác nhận thu nhập của cơ quan, tổ chức đang làm việc. Có chỗ ở ổn định và có giấy tờ chứng minh về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Ngoài các tài sản trên thì có thể là sổ tiết kiệm, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu xe gắn máy, ô tô…Khi anh chứng minh được mình có điều kiện tốt hơn vợ anh thì Tòa án sẽ giành quyền nuôi con cho anh. 

Hi vọng bài viết hữu ích cho trường hợp của anh. Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn của chúng tôi theo SĐT 0913.348.538 để được các Luật sư trực tiếp giải đáp.

 

Tin liên quan