Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của tòa án Việt Nam
Mua bán hàng hóa quốc tế là một trong những hoạt động thương mại quốc tế đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, trở thành động lực quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế đất nước. Điều này đồng nghĩa với việc những tranh chấp về loại hợp đồng này diễn ra ngày càng nhiều. Nắm bắt được điều này, Luật sư DFC sẽ chia sẻ tới bạn đọc về thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của tòa án theo quy định của pháp luật.
1. Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là gì?
Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là một dạng tranh chấp thương mại có yếu tố quốc tế. Hiểu một cách đơn giản nhất, tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là mâu thuẫn bất đồng xung đột về quyền, nghĩa vụ và lợi ích kinh tế của các chủ thể, dựa trên hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được giao kết giữa các bên.
2. Cách xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của tòa án Việt Nam
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được xác định dựa trên hai nguồn luật:
- Các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên
- Pháp luật trong nước.
Nguyên tắc áp dụng pháp luật để xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trước, pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng nếu chưa có điều ước quốc tế.
2.1. Xác định thẩm quyền của tòa án dựa trên điều ước quốc tế
Theo quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cụ thể là các Hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã ký kết, việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của tòa án được thực hiện theo các tiêu chí khác nhau. Ví dụ: Thẩm quyền của tòa án nước nơi bị đơn thường trú hoặc có trụ sở; Thẩm quyền của tòa nước nơi kí kết hợp đồng hoặc nơi thực hiện hợp đồng hoặc nước nơi có lãnh thổ là đối tượng của tranh chấp.
2.2. Xác định thẩm quyền của tòa án dựa trên pháp luật Việt Nam
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, thẩm quyền của tòa án Việt Nam đối với các tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được xác định qua hai bước:
Bước 1: Xác định vụ việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam hay không.
Theo đó, pháp luật Việt Nam quy định về vấn đề thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam đối với việc giải quyết các tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế như sau:
Thứ nhất, về thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam được xác định trên cơ sở dấu hiệu về quốc tịch và lãnh thổ
Tòa án Việt Nam sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong các trường hợp sau:
- Bị đơn là cá nhân cư trú, làm ăn sinh sống lâu dài tại Việt Nam.
- Bị đơn là cơ quan, tổ chức có trụ sở tại Việt Nam hoặc bị đơn là cơ quan, tổ chức có chi nhánh văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với các vụ việc liên quan đến hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan tổ chức đó tại Việt Nam. Theo quy định này, doanh nghiệp tham gia với tư cách là bị đơn trong tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được giải quyết tại Tòa án sẽ gồm hai trường hợp (i) Doanh nghiệp có trụ sở tại Việt Nam hoặc (ii) Doanh nghiệp nước ngoài có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam.
- Bị đơn có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam.
- Việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế xảy ra ở Việt Nam, đối tượng của hợp đồng là tài sản trên lãnh thổ Việt Nam hoặc hợp đồng diễn ra tại lãnh thổ của Việt Nam.
- Việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế xảy ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cơ quan tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc có trụ sở, nơi cư trú tại Việt Nam.
Thứ hai, xác định thẩm quyền riêng biệt của Tòa án
Tòa án Việt Nam sẽ có thẩm quyền riêng biệt thụ lý giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong những trường hợp các bên lựa chọn Tòa án Việt Nam để giải quyết theo pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Sự lựa chọn của các bên là căn cứ để xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án Việt Nam. Hệ quả của quy định này là một khi tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế này đã được giải quyết bởi Tòa án nước ngoài thì phán quyết đó sẽ không được ông nhận và cho thi hành trên lãnh thổ Việt Nam.
Bước 2: Xác định Tòa án cụ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp
Xác định cấp Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Bởi mô hình Tòa án của Việt Nam hiện nay được tổ chức theo 4 cấp bao gồm: tòa án nhân dân tối cao, tòa án nhân dân cấp cao, tòa án nhân dân tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, tòa án nhân dân huyện quận, thị xã và thành phố thuộc tỉnh. Do đó, các bên khi có yêu cầu khởi kiện giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế tại Tòa án Việt Nam cần chú ý về vấn đề này để tranh trường hợp bị từ chối thụ lý.
Mục 2 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án các cấp. Theo đó, điểm b khoản 1 Điều 35 quy định tranh chấp về kinh doanh thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 của Luật nay thuộc thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo thủ tục sơ thẩm của tòa án nhân dân cấp huyện.
Tuy nhiên theo quy định tại khoản 3 điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì những tranh chấp về kinh doanh thương mại có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân cấp huyện. Điều này có nghĩa là tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế với tính chất quốc tế thì không thuộc thẩm quyền giải quyết tranh chấp của tòa án nhân dân cấp huyện
Trong trường hợp này, tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết tranh chấp của tòa án nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Điều này có nghĩa là hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế sẽ được tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục xét xử sơ thẩm vụ án dân sự.
Trên đây là tư vấn của Luật sư DFC về thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của tòa án Việt Nam. Trong trường hợp bạn đọc có vấn đề cần tư vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, có thể gọi điện tới số điện thoại 0913.348.538 để được Luật sư của chúng tôi tư vấn miễn phí.