Phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa theo quy định pháp luật hiện hành

Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường như hiện nay, mua bán hàng hóa trở thành hoạt động thương mại khá phổ biến và phát triển. Điều này kéo theo số lượng những tranh chấp về mua bán hàng hóa ngày càng gia tăng. Theo số liệu thống kê trên trang Thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án nhân dân Tối cao, trong vòng 10 tháng đầu năm 2023, đã có hơn 3.500 bản án, quyết định về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa tại Tòa án nhân dân các cấp. Vậy nguyên nhân phát sinh tranh chấp mua bán hàng hóa từ đâu, pháp luật hiện hành quy định như thế nào về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa? Bài viết này Luật sư DFC sẽ giải đáp giúp bạn những câu hỏi trên.

1. Thế nào là tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa?

Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa được hiểu là những bất đồng giữa các bên trong quan hệ hợp đồng. Theo đó một bên nhận thấy quyền và lợi ích của mình bị ảnh hưởng do bên còn lại không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng.

Trong thực tế, các tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa thường gặp nhất đó là:

  • Bên bán chậm giao hàng;
  • Bên bán giao hàng không đúng số lượng hoặc chủng loại theo điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng;
  • Bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán;
  • Bên bán vi phạm các điều kiện về thời điểm chuyển giao hàng hoá;
  • Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa về nghĩa vụ bảo hành hàng hoá;
  • Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng…

2. Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

Theo quy định tại Điều 317 Luật Thương mại 2005, có 4 phương thức để giải quyết tranh hợp đồng mua bán hàng hóa, đó là: thương lượng, hòa giải, giải quyết bằng Trọng tài hoặc giải quyết bằng Tòa án.

2.1. Thương lượng

Đây là phương thức giải quyết tranh chấp mà các bên cùng nhau bàn bạc, thỏa thuận về vấn đề tranh chấp để tìm ra phương án giải quyết. Với phương thức này, tranh chấp của hai bên có thể được giải quyết mà không cần có sự trợ giúp hay phán quyết của bất kì bên thứ ba nào.

2.2. Hòa giải

Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian hòa giải để hỗ trợ, thuyết phục các bên tranh chấp tìm kiếm các giải pháp nhằm loại trừ tranh chấp đã phát sinh. Quy trình thủ tục giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải được thực hiện theo quy định tại Luật Hòa giải cơ sở 2013.

2.3. Tòa án

Với phương thức này, Tòa án sẽ tham gia để giải quyết tranh chấp, với sự tham gia của thẩm phán. Việc giải quyết tranh chấp được tiến hành theo trình tự, thủ tục nghiêm ngặt, chặt chẽ của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Trường hợp, bản án hay quyết định của Tòa án về vụ tranh chấp nếu các bên tranh chấp không tự nguyện tuân thủ thì sẽ được đảm bảo thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước.

2.4. Trọng tài

Giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa bằng trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động của trọng tài viên, dựa trên cơ sở thỏa thuận của các bên về việc đưa tranh chấp ra trung tâm trọng tài để giải quyết. Quá trình giải quyết tranh chấp sẽ được tiến hành theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010. Phán quyết của trọng tài là chung thẩm và có giá trị thi hành ngay, các bên có nghĩa vụ tôn trọng và thực hiện.

Tòa án và trọng tài là 2 phương thức phổ biến để giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

Tòa án và trọng tài là 2 phương thức phổ biến để giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa (ảnh minh họa)

3. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa tại Tòa án

Tòa án là hiện nay là phương thức được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa. Theo quy định tại Bộ Luật tố tụng Dân sự 2015, trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại thông qua Tòa án được thực hiên như sau:

3.1. Giai đoạn khởi kiện:

Khi quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, người khởi kiện tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Thông thường, các tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại sẽ được Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn có trụ sở. Các trường hợp đặc biệt khác như tranh chấp về bất động sản, hay không biết trụ sở của bị đơn… thì Tòa án có thẩm quyền được xác định theo các Điều 39, Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

3.2. Giai đoạn thụ lý vụ án:

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:

  • Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
  • Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật dân sự 2015;
  • Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
  • Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Trường hợp vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, thì sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ , Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho các đương sự, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc thụ lý vụ án.

3.3. Giai đoạn hòa giải:

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm (thường kéo dài từ 02 đến 04 tháng), Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.

  • Trường hợp đương sự thỏa thuận được với nhau về giải quyết tranh chấp Tòa án lập biên bản hòa giải thành, hết thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến thì Thẩm phán phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự có hiệu lực pháp luật ngay và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
  • Trường hợp hòa giải không thành thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử.

3.4. Giai đoạn xét xử tại phiên Tòa sơ thẩm:

Phiên Tòa sơ thẩm phải được mở trong thời gian 30 ngày kể từ ngày có Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Thủ tục xét xử phúc thẩm được tiến hành nếu có kháng cáo; Xét xử lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm được thực hiện nếu có kháng nghị.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật DFC về vấn đề các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa. Trường hợp bạn đang có tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa cần giải quyết, Luật sư DFC sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ bạn. Với hơn 20 năm kinh nghiệm, chúng tôi tự tin sẽ giúp bạn giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bạn. Liên hệ ngay 0913.348.538 để được tư vấn miễn phí.

Tin liên quan