Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp thừa kế đất đai

Ở nước ta, đất đai thuộc sở hữu toàn dân với đại diện chủ sở hữu tối cao thuộc về Nhà nước thống nhất quản lý. Đây là nguyên tắc về sở hữu đất đai xuyên suốt được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật đất đai có liên quan và hiện hành là Luật Đất đai năm 2013. Một trong những quyền của người sử dụng đất đối với mảnh đất mà mình được Nhà nước công nhận đó là quyền thừa kế mảnh đất. Tuy nhiên, đất đai là vấn đề phức tạp, nhất là tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất. Dưới đây Luật sư DFC xin giải đáp các thắc mắc của Quý bạn đọc đã gửi về cho chúng tôi xoay quanh vấn đề này.

Tình huống số 01: Luật sư tư vấn việc tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất khi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ ghi tên người chồng

    Anh Dương Duy K (32 tuổi) thông qua Tổng đài Tư vấn pháp luật 0913.348.538 gửi đến câu hỏi như sau: “Bố và mẹ tôi lúc sinh thời có 2 người con bao gồm tôi – Dương Duy K (32 tuổi) và em gái tôi – chị Dương Thị L (28 tuổi). Năm 2018, bố mẹ tôi đều mất sau một vụ tai nạn thảm khốc. Trước khi mất thì bố tôi không để lại di chúc nhưng mẹ tôi thì có để lại di chúc. Theo đó, di chúc mà mẹ tôi để lại là để lại  mảnh đất có diện tích 98m2 có địa chỉ tại số 01, đường X, quận Y, Thành phố H cho em gái tôi là chị Dương Thị L. Tuy nhiên, điều đáng nói người đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất đó lại chỉ có bố tôi và không có ai khác, tôi biết được mảnh đất này là mảnh đất được mua trong thời kỳ hôn nhân của bố và mẹ tôi thông qua một hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất từ ông nội tôi (đã mất). Tôi không biết trong trường hợp này thì pháp luật sẽ giải quyết vấn đề thừa kế đất đai như thế nào? Tôi mong nhận được câu trả lời của Quý Công ty trong thời gian sớm nhất. Tôi xin chân thành cảm ơn!”

    Chúng tôi – Đội ngũ Chuyên viên tư vấn pháp luật qua Tổng đài Tư vấn Pháp luật 0913.348.538 giải quyết các vấn đề liên quan đến việc tranh chấp thừa kế đất đai xin trả lời câu hỏi trên của bạn như sau:

    Trước tiên, mảnh đất có diện tích và địa chỉ như trên đứng tên một mình bố của anh trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân của hai người. Do đó, việc đầu tiên đó là phải xác định đây là tài sản chung của bố và mẹ anh hay chỉ là tài sản riêng của bố anh theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Việc chứng minh ở đây dựa vào căn cứ sau: trong hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất trước đây có thể hiện nội dung cả bố và mẹ anh đều được tặng cho quyền sử dụng đất ấy hay ông nội của anh chỉ tặng riêng cho bố của anh. Nếu là do bố và mẹ anh đều được ông tặng cho thì đó là tài sản chung của hai người trong thời kỳ hôn nhân và nếu chỉ cho riêng một mình bố anh mà chứng minh một cách rõ ràng thì đó là tài sản riêng của bố anh. 

    Tiếp đó, từ việc xác định tài sản riêng hay chung của bố mẹ anh có ý nghĩa quan trọng để xác định quyền để lại thừa kế sau này. Cụ thể chia làm 02 trường hợp sau:

    - Trường hợp mảnh đất trên là tài sản chung theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì có nghĩa là dù Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ ghi tên một mình bố anh nhưng cả hai người đều có những quyền và nghĩa vụ ngang nhau đối với mảnh đất ấy. Theo đó, nếu chỉ có mẹ của anh để lại di chúc chỉ định quyền thừa kế hoàn toàn mảnh đất ấy là không hợp lẽ - tức là mẹ của anh chỉ có một nửa quyền lợi với mảnh đất ấy, một nửa quyền lợi còn lại của bố anh mà bố anh không để lại di chúc chỉ định người thừa kế sẽ được chia theo pháp luật hiện hành.

     - Trường hợp mảnh đất trên là tài sản riêng theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì có nghĩa là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ ghi tên một mình bố anh thì tài sản này, quyền và nghĩa vụ thuộc hoàn toàn về bố anh. Theo đó, nếu chỉ có mẹ của anh để lại di chúc chỉ định quyền thừa kế hoàn toàn mảnh đất ấy là không được phép – vì mảnh đất ấy không thuộc quyền của mẹ anh. Do bố anh mất không để lại di chúc cho nên phần tài sản ấy sẽ chia theo quy định của pháp luật và chia cho các đồng thừa kế.

Tình huống 02: Luật sư tư vấn tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất khi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang bị thế chấp tại ngân hàng

    Chị Hoàng Hà N (37 tuổi) thông qua Tổng đài Tư vấn Pháp luật 0913.348.538 của Công ty Tư vấn Luật DFC tình huống sau đây: “Má tôi có một mảnh đất gắn liền với ngôi nhà có diện tích 120m2. Trước khi má tôi mất thì có để lại di chúc, theo đó má tôi chỉ định tôi và em trai tôi – anh Hoàng Nhạc P (34 tuổi) là những người thứa kế đối với mảnh đất gắn liền với nhà có diện tích 120m2 như trên do một mình má tôi đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, qua tìm hiểu và nắm bắt được, tôi biết Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này đã được má tôi thế chấp tại Ngân hàng X từ khi bà còn sống nhằm mục đích vay số tiền là 200 triệu để xây chính ngôi nhà trên mảnh đất này. Tôi không hiểu trong trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này đang bị thế chấp tại Ngân hàng thì tôi và em trai có được thừa kế mảnh đất này hay không? Tôi xin chân thành cảm ơn.”

    Chúng tôi – Đội ngũ Chuyên viên tư vấn pháp luật qua Tổng đài Tư vấn Pháp luật 0913.348.538 giải quyết các vấn đề liên quan đến việc tranh chấp thừa kế đất đai xin trả lời câu hỏi trên của bạn như sau:

    Trước tiên, căn cứ vào Điều 167 của Luật Đất đai năm 2013, thừa kế quyền sử dụng đất là một trong những quyền của người sử dụng đất bên cạnh các quyền năng khác như chuyển nhượng, tặng cho, góp vốn, thế chấp. Theo đó, trong tình huống này, má của bạn hoàn toàn có thể để lại di chúc cho bạn và em trai bạn thừa kế mảnh đất có diện tích 120m2 như trên.

    Tiếp đó, Điều 168 Luật Đất đai năm 2013 thì trường hợp người sử dụng đất được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền. Do đó, để thực hiện quyền thừa kế của mình thì bạn và em trai cần làm thủ tục giải chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó ra khỏi Ngân hàng.

    Cuối cùng, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, người được hưởng di sản thừa kế sẽ phải thực hiện nghĩa vụ trong phạm vi thừa kế mình được hưởng. Cụ thể, tại Điều 615 quy định:

Điều 615. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại

1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Tình huống 03: Luật sư tư vấn tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất khi các hàng thừa kế có sự thay đổi

    Anh Nguyễn Quốc C (35 tuổi) thông qua Tổng đài tư vấn pháp luật 0913.348.538 gửi đến một câu hỏi như sau: “Bố và mẹ tôi sinh thời có 4 người con bao gồm: anh trai tôi – Nguyễn Quốc H (45 tuổi), chị gái tôi – Nguyễn Thị G (42 tuổi), anh trai tôi – Nguyễn Quốc K và tôi – Nguyễn Quốc C (35 tuổi). Vào năm 2017, bố tôi cùng người con trai thứ ba, đồng thời là anh trai ruột của tôi là anh Nguyễn Quốc K tử nạn vì môt vụ tai nạn giao thông trên Quốc lộ 01 thuộc địa phận tỉnh X, anh K đã lấy vợ và sinh được một người con trai trước đó 02 năm. Một năm sau, vì quá nhớ thương người chồng quá cố cùng con trai mà mẹ của tôi cũng qua đời. Tưởng rằng sau khi bố, mẹ mất thì anh em hòa thuận nhưng không phải vậy vì anh em trong nhà xảy ra tranh cãi liên quan đến khối tài sản mà lúc sinh thời bố mẹ tôi tạo lập được mà điển hình nhất là mảnh đất gắn với ngôi nhà có diện tích 240m2 có địa chỉ tại trục đường Y, phường H, thành phố H đứng tên bố và mẹ tôi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trước khi mất thì bố và mẹ tôi không để lại di chúc gì về việc phân chia mảnh đất đó. Vậy Tổng đài tư vấn 1900.6512 cho tôi được hỏi  trong trường hợp này, pháp luật sẽ chia thừa kế như thế nào với tài sản trên? Tôi xin chân thành cảm ơn.”

    Chúng tôi – Đội ngũ Chuyên viên tư vấn pháp luật qua Tổng đài Tư vấn Pháp luật 0913.348.538 giải quyết các vấn đề liên quan đến việc tranh chấp thừa kế đất đai xin trả lời câu hỏi trên của bạn như sau:

    Trước tiên, chúng tôi nhận định rằng, bố và mẹ anh mất không để lại di chúc và hơn nữa không chỉ định phần di sản cụ thể ở đây là 240 m2 diện tích đất trên mang tên của bố và mẹ anh trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là của ai nên trong trường hợp này sẽ áp dụng chia thừa kế theo pháp luật theo quy định tại Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015.

    Áp dụng quy định tại Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì trong trường hợp này, khối tài sản trên sẽ chia cho các hàng thừa kế. Trong đó, pháp luật ưu tiên hàng thừa kế thứ nhất gồm những người con của hai ông bà, bao gồm anh và 03 người con còn lại. Chia tài sản trong phần này là chia đều.

   Tuy nhiên, vào năm 2017, anh K – một trong những người được hưởng thừa kế đang nhẽ được hưởng thừa kế tài sản trên mất. Tuy nhiên, hai năm trước, anh K đã lấy vợ và sinh được một người con trai. Chính người con trai này của anh K sẽ trở thành người thừa kế thế vị anh K theo quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015. 

    Tóm lại, trường hợp này thì cả 04 người con của bố mẹ anh đều được hưởng thừa kế mảnh đất và quyền lợi sẽ chia đều cho 04 người. Trong đó, phần của anh K sẽ do con trai của anh K hưởng thừa kế thế vị thay cha.

    Trên đây là nội dung tư vấn của DFC Văn phòng tư vấn luật đất đai về giải quyết tranh chấp đát đai theo quy định của pháp luật. Nếu có vấn đề gì thắc mắc hoặc cần giải quyết, xin vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 0913.348.538 để được giải đáp. Trân trọng!

 

Tin liên quan