Tranh chấp hợp đồng xây dựng và những điều cần lưu ý

Tranh chấp hợp đồng xây dựng xảy ra ngày càng phổ biến và phức tạp, đặc biệt là trong quá trình thực hiện hợp đồng như tranh chấp về việc chậm trễ thực hiện nghĩa vụ thanh toán, tranh chấp về phạt hợp đồng, bồi thường thiệt hại… Những tranh chấp này  không chỉ làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thiện công trình mà còn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của người nhận thầu, thậm chí là cả đời sống của người lao động. Bài viết dưới đây Luật DFC sẽ chia sẻ với bạn đọc về cách để hạn chế tranh chấp hợp đồng xây dựng và những điều cần lưu ý khi đối diện với những tranh chấp này.

Định nghĩa về hợp đồng xây dựng và tranh chấp hợp đồng xây dựng

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 138 Luật Xây dựng 2014, Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Tùy theo tính chất, nội dung công việc thực hiện và giá hợp đồng áp dụng mà hợp đồng xây dựng sẽ được phân loại khác nhau. Chẳng hạn như nếu theo nội dung công việc thực hiện, hợp đồng xây dựng sẽ bao gồm: Hợp đồng tư vấn xây dựng, Hợp đồng thi công xây dựng công trình, Hợp đồng cung cấp thiết bị lắp đặt vào công trình xây dựng… Còn nếu theo hình thức giá hợp đồng áp dụng, hợp đồng xây dựng sẽ bao gồm: Hợp đồng trọn gói, Hợp đồng theo đơn giá cố định, Hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh…

Còn tranh chấp hợp đồng xây dựng được hiểu là sự mâu thuẫn xuất phát từ một bên trong quan hệ hợp đồng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình theo hợp đồng. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên còn lại.

Nguyên nhân phát sinh tranh chấp về hợp đồng xây dựng

Dưới đây là một số nguyên nhân điển hình dẫn đến phát sinh tranh chấp hợp đồng xây dựng:

  • Tranh chấp do không đảm bảo tiến độ thi công, chất lượng công trình: Do tác động của nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khác nhau như thời tiết, điều kiện về vốn, nhân lực dẫn đến nhà thầu đã thi công công trình không đảm bảo về mặt thời gian hoặc chất lượng công trình dẫn tới phát sinh tranh chấp…
  • Tranh chấp do vi phạm tiến độ thanh toán theo đúng hợp đồng: chủ đầu tư không tiến hành thanh toán đầy đủ khối lượng hoặc tìm cách gây khó khăn, chậm trễ thanh toán gây ra các thiệt hại kinh tế cho nhà thầu.
  • Tranh chấp do một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn: xảy ra thiệt hại cho bên còn lại và tranh chấp xảy ra giữa các bên về yêu cầu bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm hợp đồng…

Lưu ý cho các bên trong hợp đồng xây dựng để tránh xảy ra tranh chấp

Xây dựng mẫu hợp đồng chuẩn

Để tránh tranh chấp, ngay từ đầu, hai bên cần xây dựng mẫu hợp đồng với các điều khoản rõ ràng, cụ thể, tránh sử dụng những thuật ngữ mơ hồ, không rõ nghĩa. Các bên phải xác định rõ trách nhiệm, phạm vi công việc của hai bên, mọi phát sinh hoặc yêu cầu thể hiện bằng văn bản, sửa đổi hợp đồng rõ ràng, đúng quy trình theo hợp đồng, vì sẽ rất khó xác định trách nhiệm nếu dựa trên lời nói hoặc ý định nhưng không được thể hiện bằng văn bản hoặc không đúng hình thức văn bản.

Bên cạnh đó, các bên cũng cần xây dựng mẫu hợp đồng xây dựng phù hợp với quy định pháp luật. Trong trường hợp áp dụng pháp luật Việt Nam, các nội dung chủ yếu của hợp đồng xây dựng được quy định tại luật xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành (tham khảo Thông tư 02/2023/TT-BXD của Bộ Xây dựng ngày 03/03/2023 hướng dẫn một số nội dung về hợp đồng xây dựng). Trong trường hợp hợp đồng có yếu tố nước ngoài, các bên có thể tham khảo mẫu hợp đồng FIDIC, hợp đồng NEC - đây đều là các mẫu hợp đồng chuẩn xây dựng cho các dự án quốc tế lớn.

Đảm bảo các quy định của hợp đồng phù hợp với dự án

Đây là vấn đề các bên cần đặc biệt lưu ý khi ký kết hợp đồng. Bởi nếu các quy định của hợp đồng không phù hợp với dự án cần tiến hành thì cần thuê tư vấn chỉnh sửa lại hợp đồng đó. Nếu dùng mẫu FIDIC, thông thường các bên sẽ không sửa điều kiện chung nhưng sẽ quy định chi tiết trong bản điều kiện cụ thể. Để hạn chế tranh chấp phát sinh, trong bản điều kiện cụ thể cần quy định tất cả các rủi ro có thể phát sinh trong khi thực hiện hợp đồng và phân chia rủi ro một cách hợp lý.

Thành lập Ban xử lý tranh chấp (DAAB)

Lời khuyên cho các bên trong quan hệ hợp đồng xây dựng đó là đối với các dự án lớn và kéo dài, nên thành lập một Ban xử lý tranh chấp (DAAB) để hỗ trợ giải quyết cụ thể các tranh chấp có thể phát sinh trong quá trình thực hiện dự án. Việc có Ban xử lý tranh chấp sẽ giúp xử lý một cách nhanh chóng, tránh trường hợp xử lý tại Tòa án hoặc Trọng tài.

Tại Điều 46 Nghị định 37/2015/NĐ-CP đã quy định cụ thể về Ban xử lý tranh chấp. Tuy nhiên, nếu không phải là dự án sử dụng vốn Nhà nước thì Nghị định 37/2015/NĐ-CP chỉ khuyến khích sử dụng, không bắt buộc nên các bên có thể xem xét thành lập Ban DAAB theo đúng thông lệ quốc tế.

Sử dụng phần mềm để quản lý hồ sơ

Xây dựng là một trong những lĩnh vực khi tiến hành có rất nhiều hồ sơ và giấy tờ. Để quản lý một cách hiệu quả và khoa học, các bên cần sử dụng phần mềm chuyên dụng để quản lý hồ sơ, ghi nhận hồ sơ hay công văn đến, công văn đi, đảm bảo mọi công văn được trả lời đầy đủ. Việc quản lý hồ sơ tuy ít được nhắc đến nhưng trên thực tế là tối quan trọng để bảo vệ quyền lợi của mỗi bên. Thông thường hợp đồng sẽ quy định đây là trách nhiệm của nhà thầu với sự phối hợp của tư vấn giám sát hay kỹ sư.

Trên đây là những thông tin xoay quanh về tranh chấp hợp đồng xây dựng và một một số lưu ý để hạn chế tranh chấp phát sinh. Trong trường hợp bạn đọc cần tư vấn hay có thắc mắc cần giải đáp về lĩnh vực này, có thể liên hệ với Luật DFC để được tư vấn miễn phí từ Luật sư và chuyên viên pháp lý dày dặn kinh nghiệm theo số điện thoại 0913.348.538.

Tin liên quan