Chuyên viên cần làm gì trước khi thu nợ khó đòi

"Thu nợ khó đòi” đó là những thuật ngữ quen thuộc trong sản xuất, kinh doanh mà dù muốn hay không mọi doanh nghiệp cũng đều phải đối mặt. Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng khó khăn, lạm phát, lãi suất cao như hiện nay, doanh nghiệp nào cũng mong muốn công tác thu nợ khó đòi được tiến hành một cách hiệu quả. Song không phải lúc nào mong muốn cũng có thể trở thành hiện thực vì thu nợ khó đòi luôn là cuộc đấu trí giữa một bên luôn muốn thu hồi thật nhanh và một bên luôn tìm mọi lý do để trốn tránh, muốn kéo dài thời gian thanh toán nợ càng lâu càng tốt. Do đó muốn thu nợ khó đòi một cách hiệu quả cần lưu ý triển khai tốt một số nội dung công việc trước khi tiến hành thu hồi, cụ thể như sau:


1. Nghiên cứu, phân tích và đánh giá cụ thể về hồ sơ công nợ trước khi thu nợ khó đòi:
- Nghiên cứu hồ sơ công nợ: khi tiến hành nghiên cứu hồ sơ thu nợ khó đòi chúng ta cần lưu ý nghiên cứu một cách chi tiết, khách quan, toàn diện trọn bộ hồ sơ, không bỏ qua bất kỳ chi tiết nào trong hồ sơ dù là chi tiết nhỏ nhất;

- Phân tích hồ sơ công nợ: một cách toàn diện từ các văn bản trong quá trình giao kết đến  thực hiện, cũng như xuyên suốt quá trình phát sinh nợ khó đòi. Đối chiếu toàn bộ quá trình phát sinh công nợ, hồ sơ hiện có với các quy định của pháp luật trong lĩnh vực công nợ phát sinh.

- Đánh giá hồ sơ: một cách khách quan, toàn diện để đưa ra được nhận định về việc hồ sơ có đủ cơ sở pháp lý để chứng minh công nợ hay không, những điểm mạnh, điểm yếu trong hồ sơ để từ đó có thể đưa ra được những định hướng đầu tiên về giải pháp thu hồi khó đòi và hướng khắc phục khi cần thiết.

2. Nghiên cứu, phân tích đánh giá toàn diện về khách nợ trước khi thu nợ khó đòi:
- Nghiên cứu một cách toàn diện về khách nợ: nợ khó đòi thông thường là những khoản nợ kéo dài, trải qua một khoảng thời gian nhất định nên khách nợ thông thường đã có những thay đổi nhất định về tổ chức và hoạt động. Do đó trước khi tiến hành thu nợ khó đòi chuyên viên thu nợ cần tìm hiểu cụ thể về khách nợ trên một số khía cạnh sau:

+ Tình hình tổ chức cơ cấu bộ máy lãnh đạo cũng như số lượng nhân viên của khách nợ trước, trong quá trình phát sinh công nợ và thời điểm hiện tại;

+ Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh;

+ Quy mô hoạt động của khách nợ;

+ Lĩnh vực hoạt động chính của khách nợ;

+ Các dự án mà khách nợ đang triển khai;

+ Các đối tác mà khách nợ đang hợp tác;...

- Phân tích, đánh giá thông tin: sau khi nghiên cứu các thông tin về khách nợ chuyên viên thu nợ khó đòi cần phân tích một cách toàn diện về các thông tin đã thu thập được để từ đó đưa ra những đánh giá ban đầu về điểm mạnh, điểm yếu, cũng như khả năng thanh toán của khách nợ.

3. Thăm dò thái độ của khách nợ trước khi tiến hành thu nợ khó đòi:
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, để tiến hành thu nợ khó đòi hiệu quả chuyên viên không nên áp dụng ngay các biện pháp thu nợ khó đòi mà trước hết nên tiến hành các hoạt động thăm dò đối với khách nợ để biết được khách nợ có thái độ như thế nào đối với khoản công nợ mà chúng ta cần thu hồi. Cụ thể, chúng ta có thể gửi mail hoặc thư, hoặc gọi điện nhắc nhở khách nợ về số công nợ còn lại. Đây là một trong những cơ sở rất quan trọng quyết định cách thức biện pháp thu hồi nợ.

Sau khi nghiên cứu cụ thể về hồ sơ công nợ, điều kiện tài chính, thái độ của khách nợ chuyên về thu nợ sẽ có được những đánh giá cụ thể khả năng thu hồi, các biện pháp cần áp dụng để tiến hành thu nợ khó đòi một cách hiệu quả nhất.

Tin liên quan